(+84) 903 662 420

Làng chiếu Bàn Thạch

Duy Xuyên - Quảng Nam - Việt nam văn hoá được yêu thích tại Duy Xuyên, Quảng Nam
 
 

Làng chiếu Bàn Thạch

Thôn Hà Mỹ - Xã Duy Vinh - Huyện Duy Xuyên - Tỉnh Quảng Nam
 

Giới thiệu Làng chiếu Bàn Thạch

 
Làng chiếu Bàn Thạch

" Anh về Bàn Thạch em trải chiếu cho anh nằm
Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”

Câu ca dao ngày xưa ấy vẫn còn vang vọng, sâu lắng trong mỗi người dân quê tôi. Với niềm tự hào về mãnh đất con người một thời vang bóng trên bến dưới thuyền của làng Bàn Thạch. Với lợi thế giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, đặc biệt là đường thủy với sông Thu Bồn, Trường Giang, Li Li thông với Thương cảng Hội An xuôi về cửa Đại. Bàn Thạch đã hình thành nên trung tâm buôn bán sầm uất. Với những đôi ghe Bầu trọng tải lớn, là nơi cung ứng sản phẩm nước mắm, các loại tôm cá, chiếu Bàn Thạch và trao đổi hàng hóa khắp các nơi trong nước đến tận Nam Vang. Tao nên sự giao lưu văn hóa giữa đàng trong, đàng ngoài mang về những sản phẩm thiết yếu như:

Lương thực, thực phẩm, vải may mặc nhiên liệu… Cũng từ dạo ấy trai gái lứa đôi quen biết nhau; vào những đêm trăng thanh gió mát đầy thơ mộng, trăng soi xuống dòng sông, mặt nước lấp lánh giác bạc, in hình bóng của những chàng trai, cô gái với những tiếng vọng của những câu cao dao mộc mạc trữ tình, đằm thắm ru hồn vào miên viễn trên thảm chiếu anh nằm.

“Dù cho nệm gỗ chăn bông .
Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao.”

Dấu ấn tuyệt vời của một thời để nhớ, để hoài niệm, nhớ mãi hình bóng của tiếng thoi đưa róc rách, của khung dệt chiếu với những màu sắc rực rỡ của cây cói nhộm vàng, xanh, đỏ, tím hòa quyện với màu của đất, của trời.

Vào đầu thế kỷ XVI nguồn gốc các tộc họ ở Duy Vinh bây giờ từ Thanh Hóa, Thái Nguyên, Nghệ Tĩnh đã vượt núi trèo đèo qua ải Vân Nam đến địa hạt phủ Thăng Hoa ( Quảng Nam -Đà Nẵng ) nhận thấy long thổ hợp lưu địa lợi nên dừng chân vùng đất này để xây dựng cơ nghiệp. Với lòng quả cảm, tinh thần lao động cần cù thông minh sáng tạo. Các bậc tiền nhân đã cải đất hoàn thành ruộng vườn, đất bải vời ven sông thành những cánh đồng cói. Gầy dựng nghề dệt chiếu và hình thành làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch. Tại nhà thờ tộc Võ Văn ở thôn Hà Thuận xã Duy Vinh có ghi hai câu đối :

“Địa sanh cảnh trí giang sơn nhứt mạch thái nguyên lai.
Thiên khôi đường đàng cơ sở thiên thu Bàn Thạch điện ”

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Đảng bộ và nhân dân Duy Vinh bắt tay vào khôi phục và phát triển nghề dệt chiếu truyền thống. Tính đến nay diện tích đất trồng cói trên 80 ha, thu hoạch và chế biến gồm 1200 tấn lát khô, hằng năm dệt gồm 400.000 đôi chiếu các loại giá trị 12 tỷ đồng.

Chiếu Bàn Thạch ngày càng đa dạng hóa mẫu mã, màu sắc sặc sỡ. Bằng đôi tay khéo léo của người thợ đã tạo được hình tượng Mỹ Sơn, chùa cầu Hội An, bắt chữ nỗi Bàn Thạch Duy Vinh cùng các loại chiếu màu như: Sim tím, chiếu cúc, chiếu mặt nệm… nhiều đôi chiếu có giá trị từ 120.000 đến 180.000 đã được khách hang ưa chuộng đặt mua.

Chiếu Bàn Thạch tiêu thụ khắp nơi trong cả nước, và đã từng vươn ra thị trường ngoài nước. Vào thập niên 80 của thế kỷ XX chiếu Bàn Thạch được xuất khẩu sang Liên Xô, và các nước Đông Âu với số lượng lớn để đổi lưu hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng tiêu dùng cho nhân dân.

Trong các lần tổ chức lễ hội :”Bà Thu Bồn “, “Ấn tượng Mỹ Sơn “, “Lễ hội Festival Huế “, chiếu Bàn Thạch có mặt tại các giang hàng trưng bày phục vụ lễ hội, phục vụ khách tham quan, mua sắm.

Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống nghề chiếu Bàn Thạch Duy Vinh.

Gần đây được sự giúp đỡ của các ngành của Tỉnh, của Huyện, Chiếu Bàn Thạch đã tham gia hội thi hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội được tặng giấy khen và khách hàng đánh giá cao. Dẫu vậy, thương hiệu chiếu Bành Thạch chưa được vươn xa, chưa tham gia thị trường xuất khẩu, sản phẩm từ nguyên liệu cây cói chưa hấp dẫn khách du lịch đến Hội An, Mỹ sơn và các điểm du lịch trong nước.

Với lợi thế làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch Duy Vinh nằm ở trung tâm vùng Đông của Huyện, của Tỉnh . Một tương lai gần cầu trường Giang, cầu cửa Đại xây dựng hoàn thành sẽ nối liền từ Duy Vinh đi Duy Nghĩa, Duy Hải và Hội An, sẽ hình thành các tour du lịch : Hội An – Bàn Thạch – Mỹ Sơn, là cơ sở để làng nghề chiếu Bàn Thạch trở thành địa chỉ du lịch làng nghề lý thú hấp dẫn cho du khách thập phương.

Bắt đầu từ năm 2006, Duy Vinh tập trung sức phát huy nội lực, tranh thủ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển thị tứ Bàn Thạch đi đôi với việc quy hoạch đầu tư khai thác khu du lịch sinh thái làng quê Trà Nhiêu. Xây dựng trung tâm thương hiệu chiếu Bàn Thạch, trưng bày quảng bá các sản phẩm chiếu, hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cói không ngừng đổi mới cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm.Tham gia học tập đầu tư đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ cao phục vụ du lịch ngày càng tốt hơn.

Địa danh Bàn Thạch sẽ là điểm đến hấp dẫn và ấn tượng trong lòng du khách thập phương bởi chiếc chiếu cói đậm đà chân quê ./.

Bàn Thạch là nơi hợp lưu của hai con sông Ly Ly và Thu Bồn, mảnh đất này hôị tụ đủ yếu tố để phát triển nghề dệt chiếu. Nghề chiếu có nguồn gốc từ Nga Sơn -Thanh Hóa, du nhập vào Quảng Nam đầu thế kỉ 14, phát triển mạnh vào thế kỉ 20 khi mà chợ Bàn Thạch là nơi trung chuyển hàng hóa lớn.

Cánh đồng cói vào mùa gặt
Cánh đồng cói vào mùa gặt

Cói (lát) là một trong những nguyên liệu quan trọng trong nghề dệt chiếu. Cói phát triển mạnh trên vùng đất ven sông, cả những vùng nhiễm phèn mặn. Chiếu có nhiều loại: chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu bông, chiếu trổ, chiếu bùa, chiếu nổi…do đó chúng cũng có nhiều kích cỡ. Chính vì vậy tùy vào mục đích sử dụng mà người nông dân thu hoạch cói theo nhiều kích thước khác nhau. Cói đem về, qua bàn tay khéo léo của người thợ sau đó trải qua nhiều công đoạn như chẻ, phơi, nhuộm… sẽ trở thành thứ sản phẩm muôn màu.

Đay cũng là một thành phần chính giúp người thợ tạo ra được một chiếc chiếu hoàn hảo. Đay là một loại cây thân nhỏ, khi đủ tuổi người ta lấy vỏ của chúng phơi khô rồi xé ra thành từng mảnh. Vỏ đay được chắp thành những sợi dài để dệt chiếu.

Phơi chiếu cói trước nhà
Phơi chiếu cói trước nhà

Để dệt được một chiếc chiếu cần phải có hai người. Một người giữ khổ (còn gọi là go: giống hình răng lược, làm bằng thân cây cau già và tre) điều khiển cho sợi đay lên xuống nhịp nhàng. Người kia có nhiệm vụ cầm thoi (còn gọi là cây lụi: nhỏ, dài, làm bằng cây cau già hoặc tre) luồn sợi lát vào xen kẽ những sợi đay ấy. Công việc này còn gọi là “trô chiếu”. Cả hai cần phải có kiên nhẫn và kinh nghiệm để làm nên một tác phẩm hoàn hảo. Từ những sợi lát xanh, đỏ, tím ,vàng… bằng khối óc và tâm huyết, những con người chân chất ấy đã tạo ra một bức tranh pha màu hoàn hảo.

Nhuộm cói để làm nguyên liệu dệt chiếu
Nhuộm cói để làm nguyên liệu dệt chiếu

Nghề dệt chiếu dễ dàng phổ biến trong cuộc sống con người nơi đây bởi tính chất công việc của nó. Theo nghề này không cần đầu tư nhiều vốn, nguồn lao động cũng đa dạng và không giới hạn độ tuổi. Nhưng đa phần là người già, phụ nữ và trẻ em đảm nhận công việc này vì nó không đòi hỏi phải có sức khỏe. Chiếc chiếu làm ra muôn màu muôn vẻ nên được tiêu thụ nhanh, do đó giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người. Hơn hẳn những vùng khác, chiếu Bàn Thạch nổi tiếng với chất lượng vốn có của nó. Những họa sỹ nông dân đã thổi cái hồn chân quê vào từng chiếc chiếu. Chiếu có chữ Song Hỷ màu tươi tắn dành cho những cặp vợ chồng mới cưới. Chiếu có hình chữ Thọ trang nhã, dùng trong các đình thờ. Những đứa con đi xa mang theo chiếc chiếu trong hành lý của mình, lòng chợt ấm lại khi nhớ về quê hương. Những du khách đến với làng nghề cũng mang về những đôi chiếu vừa ý nhất làm quà cho người thân. Không những nhà quê mà cả những người thành phố cũng thích chiếu lát Bàn Thạch, bởi nó mát vào mùa hè nhưng lại ấm vào mùa đông.

Chiếc chiếu dài 35 mét có thể trải dài từ đền Thượng đến đền Hạ trong Khu di tích đền Hùng
Chiếc chiếu dài 35 mét có thể trải dài từ đền Thượng đến đền Hạ trong Khu di tích đền Hùng

 các nghệ nhân làng chiếu thôn Hà Thuận, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam 

Hiện nay trên thị trường tràn lan các loại chiếu nhựa, chiếu trúc Trung Quốc, những tưởng chiếu lát BànThạch khó có thể trụ vững. Nhưng thực ra thứ sản phẩm ấy vẫn luôn củng cố được vị trí của mình. Phải chăng vì trong đó kết tinh bao giọt mồ hôi và cả tấm lòng của con người xứ Quảng gởi đến mọi miền Tổ quốc…

Tổ chức OPEC đã tài trợ hơn 6,6 tỷ đồng cho dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề chiếu cói Bàn Thạch”. Và đây sẽ là động lực vững chắc để thứ có giá trị văn hóa này không bi mai một.

Ta cất tiếng khóc chào đời trên chiếc chiếu đơn sơ mộc mạc. Những chiếc chiếu đưa ta vào giấc ngủ êm đềm và cũng chính nó ôm ấp ta về với lòng đất mẹ… Trong thâm tâm con người xứ Quảng sẽ mãi thơm thảo một tấm lòng hứơng về những giá trị truyền thống xưa – nay. 

 

Chỗ nghỉ nổi bật

Xem tất cả (607)

Xem thêm về Du Lịch Hội An

Xem Tổng Quan

Giới Thiệu Hội An

Di sản văn hóa thế giới Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới.
Hội An

Chỗ nghỉ gần Làng chiếu Bàn Thạch

 
 
 

CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM

Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Số ĐKKD: 0108370327

Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.

Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.

GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ

Giới thiệu chi tiết

Bạn cần trợ giúp? hãy gọi ngay

(+84) 903 662 420

Lienhe@dulich24.com.vn

Từ 7h đến 21h hàng ngày

Đối tác cao cấp

Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.