Chùa Tiên - Phú Lão - Lạc Thủy điểm đến hấp dẫn của du khách.
Vào xuân, khi vạn vật còn đang e ấp trước một năm mới thì đã là mùa trẩy hội của du lịch Chùa Tiên, Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Lễ hội chính được tổ chức vào 3 ngày: 4 - 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng Tư âm lịch.
Lễ khai hội Chùa Tiên
Lễ hội Chùa Tiên vốn có từ thời xa xưa và nay đã trở thành nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức quy mô hơn, đông vui hơn, du khách bốn phương tìm về nhiều hơn. Gọi là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả khu di tích mà địa điểm chính được đặt ở Chùa Tiên.
Lễ khai hội Chùa Tiên (tiếp theo)
Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức một di sản văn hoá vừa vật thể, vừa phi vật thể. Những chiếc kiệu như từ truyền thuyết đi ra, như từ dã sử xuất hiện, vừa lạ vừa quen, vừa cổ xưa, vừa mới mẻ, vừa bình dị vừa thiêng liêng. Những chiếc kiệu Thành hoàng làng là trung tâm của đám rước, được khiêng trên đôi vai của các nam thanh nữ tú dân tộc Mường. Chiếc kiệu được rước trên những đôi vai của niềm tin, của lòng thành kính và của những ước mong. Kiệu Thành hoàng có thể đi, có thể chạy, có thể bay khi có niềm tin và niền tin vào sự linh thiêng được tăng lên.
Đám rước Thành hoàng làng có từ ngàn năm trước còn tồn tại đến hôm nay, chứng tỏ một sức sống trường tồn và chứng tỏ nó hợp với nguyện vọng giữ gìn và phát triển văn hoá của dân tộc.
Đoàn rước trong lễ Khai hội.
Cùng với đám rước, là những nghi thức tế lễ: có dâng rượu dâng hương, có đọc sắc phong của triều vua xưa phong cho các vị Thành hoàng trong khu di tích, có dâng chúc văn cầu mong thần linh ban tặng mưa thuận gió hoà, nhà nhà an khang, xóm làng thịnh vượng... Đó là những nghi thức đã trở thành truyền thống để tôn vinh các vị thần Thành hoàng làng - những người đã vì nước vì dân được tôn thờ.
Đoàn rước trong lễ Khai hội.
Theo các sắc phong hiện còn được lưu giữ tại di tích do các triều vua phong tặng: Tự Đức thứ 6 (1853), Tự Đức thứ 33 (1880), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1909), Khải Định thứ 9 (1924) sắc chỉ cho xã Nhượng Lão (nay là xã Phú Lão) thì các vị thần được thờ tại cụm di tích là Tam vị Tản viên và tứ vị Thánh Nương. Các vị này đều được phong là Thượng đẳng thần.
Lãnh đạo tỉnh, huyện dâng hương tại Lễ Khai hội Chùa Tiên.
Lãnh đạo tỉnh, huyện dâng hương tại Lễ Khai hội Chùa Tiên.
Tam vị Tản viên Sơn Thánh tức là 3 vị Tản viên Sơn Thánh, Cao Sơn đại vương, Quý minh đại vương. Trong đó Thánh Tản viên là con rể của Vua hùng thứ 18. Nhờ tài năng, đức độ lấy được nàng Mị Nương và đánh bại Thuỷ Tinh. Lễ vật đám cưới của Sơn Thánh là voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao. Lễ vật của đám cưới ông Thánh còn truyền ngôn đến tận hôm nay. Cả 3 vị Thánh tản đều là các vị thần có công đánh thú dữ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu dân độ thế, bảo vệ giang sơn của Vua Hùng. Tam vị tản viên là các vị thánh được thờ ở nhiều đình đền và là thành hoàng làng của nhiều miền quê ở khu vực Bắc bộ.
Thánh tản là một trong bốn vị thần được nhân dân Việt Nam tôn là tứ bất tử của đất nước
Tứ vị Thánh Nương là bốn vị Thượng đẳng thần, lúc sống có tiết hạnh sáng người, sau khi hoá thì rất linh thiêng luôn phù hộ cho dân an, nước thịnh.
Cột trầm tích - Chùa Tiên - xã Phú Lão
Được Bộ VHTT cấp bằng di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia.
Phần hội rất sinh động và phong phú, có hội thi ném còn để người gần với người hơn; có trò chơi đánh đu vút cao lên tận trời xanh; có các cuộc thi thể thao như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông... thu hút rất nhiều người tham gia hưởng ứng.
Toàn cảnh khu danh lam thắng cảnh động Tiên - xã Phú Lão.
Quần thể khu di tích Chùa Tiên xã Phú Lão bao gồm hơn 20 điểm di tích gồm nhiều loại hình như di tích lịch sử văn hoá, khảo cổ, thắng cảnh... Quần thể di tích này toạ lạc trong thung lũng của hai thôn Lão Nội và Lão Ngoại xã Phú Lão, xung quanh được che chắn bởi hai dãy núi trải dài như hai con rồng khổng lồ như đang muốn vươn mình tới trời xanh.
Đến nơi đây du khách như được trở về với cội nguồn, được thả hồn với mây trời sắc núi, được chiêm ngưỡng từng đàn cò trắng dập dờn bay lượn trên cánh đồng bát ngát màu xanh, được chiêm ngưỡng các thôn nữ thướt tha, duyên dáng trong trang phục truyền thống cổ truyền của dân tộc Mường được gặp những chàng trai Mường nồng nàn trong điệu cồng đón khách.
Và du khách sẽ được du ngoạn tại rất nhiều điểm du lịch như đền Trình, Đền Mẫu, Động Thuỷ Tiên, Thung lũng tình yêu, Động giải oan, suối vàng, suối bạc, động Cô Chín, động Ông Hoàng Bảy, Động Châu Sơn, Động Tam Toà, Đình Trung, Chùa Tiên... thăm hệ sinh thái thực vật, được bơi thuyền trên hồ đập Rập Bếch Bai Côm.
Du khách thường bắt đầu cuộc du sơn du thuỷ của mình bằng cuộc tới thăm và dâng hương tại đền Trình - đây cũng là điểm dừng chân đầu tiên tại khu di tích. Đền Trình thờ ba vị đức ông - những người có công khai phá ra vùng đất này.
Bên trong Đền Trình
Theo truyền thuyết, đền Trình xưa là ngôi nhà sàn với vật liệu bằng tranh tre nứa lá. Qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, nay ngôi đền được xây theo lối kiến trúc chữ nhất (-) xung quanh ngôi đền được che phủ bởi những tán cây râm mát.
Qua đền Trình theo dãy núi phía Tây gần 1 km là đến đền Mẫu - thờ Mẫu tổ Âu Cơ. Ngôi đền được dựng bên sườn núi, ở độ cao chừng 20m so với chân núi, có lưng tựa vào núi và mặt hướng ra lòng thung, dưới chân là dòng suối Khốm róc rách uốn lượn.
Từ đền Mẫu, ngược lên phía Bắc theo trục đường chính thẳng giữa lòng thung ta sẽ đến dâng hương tại Chùa Tiên.
Hình ảnh Chùa Tiên
Chùa Tiên toạ lạc dưới chân núi Tung Sê trên một khu đất khá bằng phẳng có mặt tiền quay về hướng Đông Bắc. Theo truyền thuyết, Chùa Tiên được xây dựng từ rất xa xưa theo lối kiến trúc nhà sàn với nguyên vật liệu là tranh tre nứa lá. Trải qua năm tháng, ngôi chùa đã bị xuống cấp. Năm 1998, bằng nguồn vốn trùng tu tôn tạo di tích của Bộ Văn hoá Thông tin và sự đóng góp của chính quyền và nhân dân trong xã, ngôi chùa đã được trùng tu tôn tạo khang trang như ngày nay. Đến dâng hương tại Chùa Tiên, du khách sẽ có dịp được bày tỏ lòng thành kính lên các đức Phật các ước mong của mình.
Phía sau Chùa Tiên ngay trong dãy núi Tung Sê, du khách sẽ được tới thăm danh thắng Động Tiên với nhiều điều kỳ thú. Đây là di tích khảo cổ đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1989.
Động Tiên
Bên cạnh giá trị khảo cổ, động Tiên còn là di tích có giá trị thẩm mỹ cao. Đi sâu vào bên trong, ta sẽ bắt gặp không gian đầy huyền thoại. Ngẩng đầu lên ta bắt gặp một vòm trần lô nhô, đông đúc căng chật hàng trăm, hàng ngàn khối nhũ đá rủ xuống. Chỗ thì vàng óng toả ra như một rừng hoa, chỗ thì trắng xoá, bầu thon như những viên ngọc; chỗ thì rực rỡ như một căn phòng với các chùm đèn trang trí. Các khối nhũ đá được chạm chổ tinh tế những hình thù kỳ lạ, bí ẩn, đường nét uyển chuyển, mềm mại và khá cân đối. Đứng trước bức tranh vĩ đại này, du khách không khỏi băn khoăn tự hỏi đây là công trình của tạo hoá hay của con người từ hành tinh nào khác?
Nét đặc biệt ở động Tiên là quần thể các cột đá mọc lên từ nền hang, giữa phòng là một khối nhũ lớn, xung quanh là bạt ngàn các cột nhũ nhỏ như hội quần tiên ở rừng thệ đà đông đúc các vị La Hán, các Bồ Tát, các thanh văn quây quần bên nhau nghe đức Phật Như Lai giảng kinh. Tất cả đều lặng lẽ trang nghiêm, không xô bồ ồn ã. Không gian cũng tĩng mịch u huyền càng tăng thêm vẻ tôn nghiêm. Và du khách càng ngắm, càng ngỡ như được đắm chìm vào tiên cảnh ấy. Và con người như được cảm thấy thanh cao hơn.
Đi sâu vào bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thêm những hình thù kỳ lạ của tạo hoá.
Từ cửa Động Tiên ở độ cao chừng 40m so với chân núi, du khách sẽ có dịp được phóng tầm mắt bao quát và thưởng thức toàn cảnh thung lũng Động Tiên với cánh đồng lúa trải dài xanh tít tắp với thấp thoáng những mái nhà xen lẫn những bóng cây cổ thụ từ bao đời.
Cách Chùa Tiên khoảng 500m về phía Tây Bắc là Đình Trung toạ lạc trên một khu đất khá bằng phẳng, mặt hướng về phía Nam. Xưa đình làm bằng gỗ, lợp gianh, qua nhiều lần tu sửa, đặc biệt là vào năm 1995, bằng nguồn vốn chống xuống cấp của Bộ văn hoá Thông tin và sự quyên góp của nhân dân, ngôi đình đã được tu sửa khang trang như hiện nay. Sau khi dâng hương lên hai ban thờ Đức Vua và Đức Thánh ông, du khách sẽ được thăm quan giếng nước cổ hình bán nguyệt với làn nước trong xanh in bóng mây trời.
Tại dãy núi phía Đông, du khách sẽ có dịp được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa: đó là Động Tam Toà.
Động nằm ở lưng chừng núi, cửa động ở độ cao chừng 30m, đường lên là những bậc đá quanh co uốn lượn. Lên tới nơi ta có cảm giác như bước vào một xứ sở thần tiên của đá, với bạt ngàn nhũ đá. Nhũ từ vòm trần rủ xuống, từ lòng động mọc lên, từ các vách đua... Các khối nhũ như hoà quện vào nhau, đan xen nhau tạo nên những bức tranh sinh động. Chỗ này nhũ rực rỡ như một vườn hoa, chỗ kia nhũ thướt tha như những dải lụa. Nhũ như bầu sữa mẹ căng tròn, trắng hồng như đang phập phồng hấp dẫn du khách...
Giữa bốn bề là mầu xám của đá, các khối nhũ hiện lên kỳ ảo, giữa không gian mầu tối, các khối nhũ lấp lánh dưới ánh đèn trông như ngọc như ngà, ngỡ như mọi sự trắng trong cao đẹp của thế gian ngưng tụ tại nơi đây. Các cột nhũ như muốn vươn dài thêm sự tinh khiết của mình để góp thêm cho đời những điều cao quý.
Nét đặc biệt của động Tam Toà đó là những dải đá mỏng rỗng trải dài từ vách hang buông xuống. Đá ở đây được nước vuốt dài, dàn mỏng, xếp dọc, tầng tầng, lớp lớp, so le, lệch góc, lệch cạnh, buông suốt, buông lửng để du khách phải xoay người đi nửa vòng tròn, đi ngoằn ngoèo, đi khuất khúc như lạc vào thế giới của tiên. Gõ vào những dải đá ấy, tuỳ theo cách gõ mà vang lên tiếng chiêng, tiếng cồng, tiếng trống đồng. Và nếu khoát tay gạt ngang thì đá lại vang lên tiếng đàn tơrưng. Hình như đá chờ đợi bao lâu để được lên tiếng chào đón con người. Tiếng của đá mà thân quen, gần gũi quá, cứ ngân lên, ngân mãi, khắc sâu và làm rung động trái tim của mỗi người.
Nhũ đá ở động Tam Tòa - Chùa Tiên - xã Phú Lão.
Các mảng mầu, các hình khối, bố cục của tạo hoá thật tự nhiên mà sinh động. Tuỳ theo cảm nhận của mỗi người, nhưng đều để lại trong tâm trí mình về một nghệ thuật đích thực, nghệ thuật của tạo hoá ban tặng. Vẻ đẹp ở đây thật thanh khiết mà tinh tế, tất cả níu kéo ngẩn ngơ đến vô cùng.
Nhũ đá ở động Tiên - Chùa Tiên - xã Phú Lão.
Các khối nhũ, dải nhũ, măng đá, cột đá... mang nhiều dáng vẻ, nhiều mầu sắc, đã tạo cho động Tam Toà thành một bảo tàng nghệ thuật tự nhiên. Ở đó có các tác phẩm điêu khắc, kiến trúc, hội hoạ thật hoà quyện, tuyệt mỹ của tạo hoá, giúp cho du khách có nhiều cảm nhận về cái đẹp, tạo cho các nhà hoạ sĩ, điêu khắc, kiến trúc những ý tưởng để sáng tác nghệ thuật; là nguồn cảm hứng vô tận chi thi nhân, nhạc sĩ... Du khách sau khi tham quan động Tam Toà sẽ cảm thấy tâm hồn thư thái và luôn muốn vươn tới những điều chân, thiện, mĩ.
Nhũ đá ở động Thiên Môn - Chùa Tiên - xã Phú Lão.
Ngoài các tuyến du lịch trên, du khách còn được tới thăm động Cô Chín và động Ông Hoàng Bảy gắn liền với các truyền thuyết, với động Mẫu Long lãng mạn với suối vàng lung linh, với suối bạc lấp lánh. Đặc biệt vượt qua quèn lên với thung lũng tình yêu nơi sương, gió, nắng ngọt ngào như vị ngọt nhân tình. Tới thăm cụm di tích Chùa Tiên du khách như được lạc vào một vùng quê vừa huyền thoại vừa lịch sử. Đến với lễ hội Chùa Tiên du khách như lạc vào một vùng văn hoá phong phú đầy bản sắc. Thắng cảnh di tích Chùa Tiên làm nên một lễ hội, đồng thời lễ hội lại làm cho di tích và thắng cảnh thêm hấp dẫn, nổi tiếng.
Nhũ đá ở động Tiên - Chùa Tiên - xã Phú Lão.
Tiếng lành đồn xa, du khách ngày một tìm đến nhiều hơn để hành hương và chiêm ngưỡng. Trao đổi với ông Giang Đức Minh - Chủ tịch UBND xã Phú Lão cho biết: Mùa lễ hội năm 2010 vừa qua, Chùa Tiên đã đón tới 3 vạn lượt du khách. Những ngày thứ bảy, chủ nhật khách đổ về dồn dập, có ngày lên tới 400 đầu xe.
Hệ thống giao thông đang ngày một nâng cấp. Toàn khu có tới 30 khách sạn, nhà khách, gần 100 nhà hàng, cửa hàng ăn uống luôn sẵn sàng phục vụ du khách.
Chùa Tiên Phú Lão được đánh giá là khu du lịch trọng điểm của tỉnh Hoà Bình. Hiện nay đây là điểm thu hút lượng khách du lịch lớn nhất trong toàn tỉnh. Ông Phạm Quang Vinh - Chủ tịch UBND huyện Lạc Thuỷ cho biết huyện sẽ quan tâm đặc biệt tới khu di tích này. Sau khi được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia, huyện sẽ tiến hành xây dựng dự án trùng tu và phát triển quy mô cho quần thể di tích để bảo tồn và phát triển du lịch. Quãng đường từ Chùa Tiên đến Chùa Hương (Mỹ Đức - Hà Nội) chỉ khoảng 5km có qua một con quèn. Trong dự án sẽ làm đường nối liền tuyến du lịch Chùa Hương - Chùa Tiên để thuận tiện cho du khách hành hương.
Với lợi thế về tiềm năng và được đầu tư đúng hướng, chắc chắn thương hiệu Khu du lịch Chùa Tiên Phú Lão sẽ ngày một khẳng định vị trí trong bảng xếp hạng du lịch Việt Nam.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.