Văn Giáo là một xã thuộc huyện Tịnh Biên - An Giang có hơn 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ngoài nghề làm ruộng, trồng hoa màu, chăn nuôi, làm đường thốt nốt… người dân Khmer còn dệt thổ cẩm. Thổ cẩm còn gọi là lụa Khmer - “Khmer Silk”, một sản phẩm đặc trưng của người Khmer có từ hàng trăm năm nay.
Vực dậy một làng nghề
Từ xa xưa, Văn Giáo là một làng nghề nổi tiếng về trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa, nhà nào cũng có xa quay và khung cửi chạy rầm rập suốt ngày. Trong nhà nhiều gia đình ở vùng này, ngoài bàn thờ Phật, họ còn thờ ông tổ nghề dệt Topica của người Khmer.
Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1978), dân làng phải di tản xuống Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… nên nghề tầm tang ở vùng này hầu như bị xóa sổ. Chiến tranh kết thúc, làng nghề ấy trở nên quạnh quẽ đìu hiu, thị trường tiêu thụ thổ cẩm không còn… dẫn đến nghề dệt thổ cẩm truyền thống có nguy cơ mai một.

Cụ Chau Mun, người có vợ và hai con đều là thợ dệt nổi tiếng ở Srây Skốth
Trước thực trạng ấy, chị Neáng Nhây, một nghệ nhân ở ấp Srây-Skốth đã tích cực truyền nghề cho ba đứa con gái của mình, đồng thời động viên nhiều chị em khác ra sức phục hồi nghề dệt truyền thống. Nhờ vậy đến năm 1992, thổ cẩm Khmer đã tái xuất hiện trên thị trường trong và ngoài tỉnh, khiến cho bà con ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn vô cùng phấn khởi.
Vài năm sau, thổ cẩm Văn Giáo được xuất sang Campuchia với thương hiệu “Khmer Silk”. Năm 1998, người dân Khmer ở đây rất vui mừng khi Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam thực hiện dự án Chương trình khôi phục, phát triển nghề dệt truyền thống của người Khmer tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Dự án thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBND huyện Tịnh Biên để hỗ trợ vốn ban đầu cho 36 chị em đứng ra duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống.
Vào tháng 1-2000, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo đã ra đời gồm 126 xã viên tham gia theo mô hình phân tán từng hộ gia đình.
Trên đường phục hồi và phát triển
Thổ cẩm Văn Giáo rất đa dạng và phong phú, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo, có thể sánh vai với thổ cẩm của đồng bào ở Tây Nguyên. Để tạo màu sắc, chất lượng cho thổ cẩm, các nghệ nhân đã dùng chất liệu từ thiên nhiên để chế thuốc nhuộm, giúp cho lụa óng ả, mượt mà, không bị đổ lông.
Chị Neang Kim Lương, người dân tộc Khmer, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Văn Giáo, đang phụ trách theo dõi đề án phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc Khmer ở đây cho chúng tôi biết: Hiện tại, trong xã có 71 hộ với 126 thợ dệt đã học nghề dệt thổ cẩm; mỗi hộ được Nhà nước cho một khung dệt trị giá 1,5 triệu đồng, đồng thời được vay 3 triệu đồng với mức lãi suất 0,65%/tháng để mua nguyên liệu dệt, nhờ vậy mà những hộ này đã có việc làm, thu nhập một lao động mỗi tháng khoảng 600.000 đến 1 triệu đồng. Đến nay, nhờ những chính sách hỗ trợ của các cấp, tổ chức… xã có trên 30% số hộ tham gia dự án dệt vải thổ cẩm đã thoát nghèo.

Nghệ nhân Néang Sà Mon trên khung dệt
Chị Neang Sa Mol, người đã từng đoạt giải trong các cuộc thi dệt vải thổ cẩm, cho chúng tôi biết, hiện nay, chị em phụ nữ ở đây được người ta đặt hàng dệt không kịp giao. Với tay nghề giỏi, chị có thể dệt được sản phẩm loại tốt nhất bán với giá 1,2 triệu đồng/cái, mỗi tháng trừ chi phí chỉ, màu… chị còn thu được khoảng trên 2 triệu đồng.
Khách hàng là những du khách, những doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, ở Đồng Nai, Bình Dương…
Chị Neang Sa Mol kể lại những ngày tháng gia đình mình chịu cảnh thiếu trước hụt sau vì cả nhà tám miệng ăn mà chỉ có chục công ruộng. Khi con cái ra riêng, ba mẹ chị phải chia đất, thu nhập gia đình càng ít đi, dù ăn uống tiện tặn nhưng nếu gặp lúc ốm đau thì phải lâm nợ. Chị bộc bạch lòng biết ơn Đảng và Nhà nước, nhất là chính quyền địa phương đã giúp cho gia đình chị có việc làm, có thu nhập ổn định và đã thoát nghèo.
Được biết, thu nhập bình quân mỗi lao động tại làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khmer ở Tịnh Biên trên 7 triệu đồng/năm. Đây là kết quả bước đầu đáng phấn khởi của chương trình xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Tịnh Biên từ việc khôi phục lại một làng nghề...
Hoài Phương - Mai Bửu Minh
|