Trên đường thiên lý Bắc - Nam, mỗi khi có dịp ngang qua Đồng Hới - thành phố “hoa Hồng” của tỉnh Quảng Bình, du khách không thể không ghé thăm bãi biển Nhật Lệ nằm cạnh cửa sông Nhật Lệ, cách trung tâm thành phố chỉ chừng 3km về phía Đông Bắc. Nơi đây thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Quảng Bình một bãi tắm tuyệt đẹp với nền cát trắng phau và dòng nước biển trong xanh giữa trời-mây-non-nước hữu tình, trở thành điểm dừng chân lý tưởng làm mát lòng lữ khách đường xa…
Lung linh bãi biển Nhật Lệ
HUYỀN THOẠI TÊN GỌI “NHẬT LỆ”
Từ đường Lý Thường Kiệt (quốc lộ 1A), du khách rẽ vào đường Hàn Mạc Tử rồi theo con đường Nguyễn Du và Trương Pháp dọc ven bờ sông Nhật Lệ để đến với cửa sông và bãi biển Nhật Lệ, đi qua những dấu tích hào hùng của một thời chinh chiến với ngôi nhà thờ Tam Tòa được xây dựng năm 1886, tuy đã bị sụp đổ năm 1965 sau bao lằn bom đạn vẫn còn nguyên vẹn tháp chuông, được tỉnh Quảng Bình giữ lại làm di tích lịch sử - văn hóa, chứng tích tội ác chiến tranh; với tượng đài Mẹ Suốt ghi dấu nỗ lực âm thầm và sức chịu đựng bền bỉ của những bà Mẹ Quảng Bình, trong mưa bom bão đạn vẫn kiên cường chở bộ đội qua lại trên dòng sông Nhật Lệ…
Tháp chuông nhà thờ Tam Tòa – Ảnh: nguoicaotuoi (vnexpress.net)
Nhiều truyền thuyết, huyền thoại đã được thêu dệt nhằm giải mã cho cái tên “Nhật Lệ” nhiều duyên nợ. Có người viện dẫn việc vương phi Mỵ Ê của vua nước Chiêm Thành Xạ Đẩu đã trầm mình trên dòng sông để thủ tiết sau khi vua Lý Thái Tông thân hành đem binh chinh phạt Chiêm Thành năm 1044. Về sau này Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã hứa gã công chúa Huyền Trân làm hoàng hậu Chiêm Thành và cuộc hôn nhân chính trị đã đưa về cho nước Đại Việt hai châu Ô, Lý nhưng trên dặm đường làm dâu xứ người, đã biết bao lần nước mắt nàng công chúa âm thầm rơi vào cửa sông?… Cảm thương cho bậc kiều nữ của hai đất nước đã lặng lẽ đánh rơi những giọt lệ buồn man mác mà người xưa đã gọi tên dòng sông là Nhật Lệ (!).
Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ Nhật Lệ – Ảnh: nguồn baoquangbinh.vn
Người khác lại cho rằng trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1570 - 1786), khi dòng sông Gianh trở thành lằn ranh của hai bên chiến tuyến thì những lưu dân ở bờ Nam vẫn thường hướng về bờ Bắc, nhớ quê hương mà dòng lệ tuôn rơi. Lâu dần nước mắt chảy thành sông rồi từ sông chảy ra biển mà thành tên Nhật Lệ (!).
Có người còn mượn đến nghĩa Hán tự để giải thích. Theo đó “nhật” là ngày, “lệ” là điều được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen và “Nhật Lệ” được hiểu là ngày nào cũng có dòng nước chảy giống nhau, chỉ dòng sông Nhật Lệ. Cũng có người hiểu “lệ” theo nghĩa “đẹp” vì thiên nhiên đã kiến tạo nơi đây một vẻ đẹp hiếm thấy và ngày nay cùng với bàn tay xây dựng của con người mà trên đôi bờ Nhật Lệ hiện diện một đô thị trẻ lung linh…
Cầu Nhật Lệ bắc qua sông Nhật Lệ – Ảnh: nguồn mytour.vn
Theo sử cũ ghi lại thì tên sông “Nhật Lệ” có từ thời Lý và được đổi từ tên cũ Đại Uyên (khoảng 1069 - 1075). Cửa Nhật Lệ còn có các tên gọi khác như Trú Nhạ, Hà Cừ, Cửa Sài…, là một loại cửa lệch không rộng, không sâu, nước chảy đều thuận lợi cho các thuyền vừa và nhỏ vào, ra neo đậu.
TỪ SÔNG RA BIỂN
Bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi trong dãy Trường Sơn, sông Nhật Lệ chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình rồi đổ ra biển Đông tại cửa Nhật Lệ với chiều dài 85km. Sông có hai nhánh chính: sông Long Đại (hay Đại Giang) chảy qua huyện Quảng Ninh và sông Kiến Giang chảy qua huyện Lệ Thủy rồi gặp nhau tại Trung Quán.
Sông Nhật Lệ lấp lánh rực rỡ – Ảnh: nguồn mytour.vn
Nhật Lệ là dòng sông mỹ miều của dải đất miền Trung, tên sông nói lên sự rực rỡ của vầng thái dương. Khi mặt trời nhô lên khỏi cồn cát Bảo Ninh, đứng từ bờ Nam sông Nhật Lệ nhìn về hướng biển sẽ thấy dòng sông lấp lánh rực rỡ suốt cả một quãng dài. Người Đồng Hới có thú vui ra bờ sông ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc, và cho dù đã biết bao lần chiêm ngắm thì vẫn cảm giác háo hức như mới lần đầu… Vào những ngày hè, khi ánh dương vừa khuất sau dãy núi Trường Sơn, du khách sẽ có dịp mục kích cảnh hùng vỹ của núi Đầu Mâu, núi Ba Rền gối đầu lên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng, có lẽ vì vậy mà người Quảng Bình đã chọn ngọn núi Đầu Mâu và dòng Nhật Lệ làm biểu tượng cho cảnh quan quê mình, như đã từng được thể hiện sâu lắng qua ca dao:
“Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy,
Núi Đầu Mâu cao biết bao tầng."
Sông Nhật Lệ và dãy núi Đầu Mâu xa xa – Ảnh: C.M.T. (qbvn.com)
Cảnh đẹp cửa Nhật Lệ từ lâu đã đi vào thơ ca của không ít thi sĩ. Chỉ bằng mấy từ ngắn ngủi, Hồ Thiên Du đã vẻ nên bức tranh Nhật Lệ đầy cảnh sắc:“Nhật chi lệ bất vô chi chúc giả” (sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được)… Thi hào Nguyễn Du khi làm cai bạ ở Quảng Bình (1809 - 1813), đứng trước cảnh đẹp của cửa Nhật Lệ đã trào dâng cảm xúc:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa."
Cửa biển Nhật Lệ – Ảnh: nguồn mytour.vn
Nằm cạnh cửa sông Nhật Lệ, bãi biển Nhật Lệ còn mang một vẻ đẹp nguyên sơ. Nơi đây bãi cát trắng phau trải dài với làn nước biển trong xanh nhìn rõ tận đáy. Gần đó còn có Bàu Tró, một hồ nước ngọt chỉ cách bờ biển hơn 100m. Bàu Tró không chỉ là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho thành phố Đồng Hới, mà còn là di chỉ khảo cổ với dấu tích người nguyên thủy thời kỳ đồ đá có niên đại cách ngày nay khoảng 5.000 năm. Các nhà khảo cổ học đã lấy tên di chỉ Bàu Tró đặt tên cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bổ ở vùng ven biển Nghệ An kéo dài đến Thừa Thiên - Huế.
BIỂN NHẬT LỆ - THIÊN ĐƯỜNG DU LỊCH
Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho biển Nhật Lệ một khung trời huyễn hoặc với bãi cát trắng trải dài, làn nước biển trong xanh và những cây rau Muống biển hoa tím (có nơi gọi là Lang biển) mọc tràn lan trên khắp bãi cát, tạo nên nét hoang sơ mà cũng lãng mạn lạ lùng. Từ ngoài khơi xa từng lớp sóng bạc tiến vào bờ tựa những chùm hoa sóng tung bọt trắng xóa… Những lúc trời thanh gió mát, bãi biển sạch như lớp nệm mới, nền cát mịn óng ánh được dầm nén chắc chắn, có thể đạp xe hay chơi các trò chơi thể thao một cách… vô tư.
Những chùm hoa sóng tung bọt trắng xóa – Ảnh: nguồn qbvn.com
Bãi tắm nơi đây thoai thoải sâu và rất an toàn, gió lồng lộng thổi mát hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào tạo nên một bản giao hưởng của tự nhiên giới với nhiều cung bậc du dương. Dạo chơi trên bãi cát trắng mịn và sạch sẽ, cảm giác thú vị khi từng đợt sóng dạt vào bờ, liếm vào chân rồi nhẹ nhàng rút đi sau khi đã xóa sạch những vết hằn một cách tài tình…
Bãi biển Nhật Lệ náo nhiệt từ khi bình minh ló dạng đến lúc mặt trời đứng bóng, với những tiếng cười đùa cùng những hoạt động sôi nổi của cả dân địa phương lẫn khách vãng lai… Ở Đồng Hới đa phần người dân đều thích đổ ra biển sau khi kết thúc ngày làm việc. Họ đến đây để tắm biển, để chơi thể thao, để ăn nhậu hay chỉ đơn giản là gặp bạn bè “bù khú” bên cốc càfé… Biển Nhật Lệ cũng có những khoảnh khắc thật lãng mạn khi hoàng hôn dần buông, đây là thời điểm lắng đọng cho những cuộc hẹn hò tình tứ… Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng cửa biển với đủ loại tàu thuyền giăng đèn chấp chới, sáng rực như một thành phố thần tiên – du khách ngỡ như được nhìn thấy hàng ngàn vì sao đang tỏa sáng lung linh…
Hoàng hôn trên biển Nhật Lệ – Ảnh: nguồn qbvn.com
Thời điểm đẹp nhất để đến với biển Nhật Lệ là từ tháng 5 đến tháng 8. Du khách đến đây, ngoài việc thỏa sức tắm táp vẫy vùng cùng sóng biển, còn có dịp thưởng thức nhiều hải sản tươi ngon và đậm đà của vùng biển Quảng Bình, từ Hàu, Nghêu, sò Huyết, sò Lụa, sò Điệp, Ghẹ, tôm Hùm, Mực… đến các loại cá Mú, cá Hồ, cá Chim, cá Bả trầu, cá Hồng, cá Chình, cá Hanh… được các nhà hàng dọc con đường ven biển chế biến rất chuyên nghiệp. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến Đẻn biển, một món ăn độc đáo đã được nhắc đến đằm thắm trong thơ ca:
“Cụng đầu tí chút mùi men,
Lai rai hương Đẻn mà nên bạn tình."
Nếu không quá cầu kỳ, khách cũng có thể thưởng thức ngay tại bãi biển bởi những gánh hàng rong mà chỉ với một bếp than nhỏ, vẫn có thể cung cấp đến khách những món nướng hay luộc đầy hấp dẫn. Điểm đặc biệt ở đây là khách không phải chờ lâu bởi luôn sẵn những món “khai vị” mang sắc màu địa phương như bánh Bột lọc, bánh Nậm chấm với nước mắm có hương vị rất riêng, vừa đủ nhâm nhi mà cũng đỡ sốt ruột…
Du khách bắt được mực trên bãi biển Nhật Lệ – Ảnh: Lê Hữu Hào (VnExpress.net – 23.2.2009)
Đã có lúc biển Nhật Lệ được nhiều người biết đến và ngán ngại với những cách kiếm tiền rẻ rúng, dễ dãi… Khi bóng ma của đói nghèo đã lùi xa và người dân bắt đầu biết đến chuyện làm giàu, thì “phú qúy sinh lễ nghĩa”, những biến thái của thời “quá độ” cũng dần mai một và bãi biển Nhật Lệ cũng được sóng biển thanh tẩy, gột rửa để ngày càng trở nên tươi tắn, lành mạnh trong mắt mọi người… Điểm đáng buồn là ngày nay lại phát sinh đội quân thiếu nhi đeo bám ăn xin quấy nhiễu khách du lịch. Nếu khách vì trắc ẩn hoặc muốn mua sự bình an mà lỡ “mở lòng” cho 1, 2 cháu, thì ngay lập tức sẽ bị hàng chục cháu khác vây lấy đòi hỏi với những lời chất vấn so bì rất khó chịu (!). Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít đến cuộc vui và làm giảm bớt nhiệt tình mỗi khi khách nghĩ đến việc quay trở lại…
Biển Nhật Lệ nay đã khang trang hơn – Ảnh: nguồn baoquangbinh.vn
Dẫu sao, đã chọn biển Nhật Lệ du khách sẽ không phải ân hận, bởi Quảng Bình trước sau vẫn là một điểm đến đẹp, nhiều chỗ để tham quan, khám phá và giải trí… Điều tích cực đáng ghi nhận là cư dân biển hiền hòa, chất phác, thức ăn cũng rẻ và khách không cần phải mặc cả… Tưởng cũng cần biết Đồng Hới là quê hương của cố thi sĩ tài hoa mệnh bạc Hàn Mạc Tử, mà những vần thơ dung dị của ông vẫn còn bảng lảng qua không gian và thời gian:
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà..."
Hy vọng những điều tồn động sẽ sớm được khắc phục để bãi biển Nhật Lệ mãi là thiên đường trong lòng khách du lịch, để Đồng Hới xứng danh “thành phố hoa Hồng”, hấp dẫn bạn bè khắp gần xa…
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.