Từ xưa đến nay, núi Ngự và sông Hương là hai thắng cảnh thuộc vào hàng số một của xứ Huế. Hễ nói đến sông Hương là người ta nghĩ ngay đến núi Ngự, và khi nghe đến núi Ngự, người ta liên tưởng đến sông Hương. Với vẻ đẹp “bẩm sinh” do tạo hóa ban tặng và do “ông tơ bà nguyệt” kết nghĩa xe duyên, núi Ngự và sông Hương trở thành một cặp tình nhân chung thủy keo sơn, luôn luôn hiện hữu bên nhau như hình với bóng. Hai thực thể địa lý tự nhiên này đã đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương và tồn tại mãi trong tâm thức của họ từ bao đời nay. Sông Hương núi Ngự cũng đã được “nhân cách hóa” để cùng chia sẻ vui buồn với người dân xứ Huế qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Núi sông cũng “khô héo lá gan”, “đầy vơi giọt lệ” khi người Huế bị rơi vào hoàn cảnh đau thương.
Núi Ngự Bình Huế
Núi Ngự Bình nằm cách bờ nam sông Hương khoảng 3km, ở địa điểm trước kia thuộc ấp Tứ Tây, làng An Cựu; sau đó thuộc xã Thủy An, thành phố Huế; nay lại thuộc phường An Cựu của thành phố. Tuy hòn núi này chỉ cao 104m, nhưng vì nó đột khởi giữa chỗ đất bằng, ở một vị thế đặc biệt, cho nên, ngay từ thế kỷ XVII, nó đã nằm trong tầm ngắm và lọt vào mắt xanh của các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị Huế. Thật vậy, trong các bộ sách lịch sử và địa chí của mình, Quốc sử quán triều Nguyễn đều ghi rõ rằng vào năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Thái cho dời Thủ phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân, các nhà kiến trúc bấy giờ đã dùng hòn núi đặc biệt này làm tiền án, một yếu tố phong thủy trong kiến trúc cổ. Bấy giờ, nó đã được gọi là hòn Mô hoặc Bằng Sơn. Bằng là loài chim rất to lớn, như chim đại bàng chẳng hạn. Sở dĩ đặt tên Bằng Sơn là vì hòn núi mang dáng vẻ như một con chim đại bàng dang hai cánh để bay. Đây là một hòn núi tự nhiên, nhưng, từ phía bắc nhìn lại, trông nó cân phân, hai cánh hai bên đông tây đối xứng với nhau một cách đều đặn như do bàn tay con người đắp nên và tạo dáng. Hơn nữa, hai triền núi ở hai bên lại hơi chìa ra phía trước trông giống như hai cánh tay đang dang ra phía trước để chào đón một đối tượng nào đó của mình. Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục.
Người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương – núi Ngự, miền Hương Ngự cũng vì vậy mà có.
Cùng với Núi Ngự thì Sông Hương là một quà tặng vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Huế. Vẻ đẹp của Sông Hương được ví như một dải lụa hiền hoà miên man chảy rồi như một người dẫn đường xuôi dòng nước đưa chúng ta đến miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng, rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không để phiêu diêu cùng với gió mây, với thế giới của hoa thơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ kính. Đã biết bao lần đến Huế, lúc vội vã, lúc thong dong, nhẩn nha nhưng Huế đã để lại trong mỗi chúng ta một tình cảm hết sức đặc biệt tựa như là một cố nhân vậy. Không sao quên được bởi Huế dịu dàng quá, thậm chí đến cái nắng cũng dè dặt sợ làm người khác khó chịu, nhưng cũng rất đỗi ngây thơ tinh nghịch xiên qua vành nón Huế (nay đã là thương hiệu) trêu chọc những cô nữ sinh trường Quốc Học, Hai Bà Trưng đang tha thướt trong tà áo dài. Còn những ngày mưa Huế lại khoác trên mình tấm áo choàng cổ kính, đượm buồn dễ gợi cho khách cái cảm giác nhớ mong… Không những cảnh đẹp, người hay mà còn nghe nói Huế xưa có nhiều trò chơi lãng mạn và lịch lãm, rồi có cả những thú vui trần tục như: Thả thuyền, chơi trăng, ca Huế, ngủ đò, thả thơ. Tinh hoa của những trò chơi ấy nay vẫn còn và còn được nâng lên tầm cao mới trở thành văn hoá du lịch mà chỉ có ở Huế. Về đêm, sông Hương trở nên huyền hoặc hơn, ánh đèn điện hắt xuống dòng sông như tráng một lớp ánh bạc, gió mơn man, dìu dịu như xoa nhẹ lòng du khách, thuyền bồng bềnh trôi giữa dòng chở đầy khách và nhạc công. Các âm hưởng của giai điệu đó đã đem lại cho người nghe cái cảm giác bâng khuâng tiếc thương, buồn cảm, nó như sợi tơ mong manh chạm vào tận đáy lòng du khách, gợi lên nhiều nỗi tương tư…
Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương và núi Ngự. Và thật khó có thể tách núi Ngự ra khỏi sông Hương bởi chỉ cần tách một trong hai thực thể đó thì người ta sẽ thấy Huế bớt đẹp, bớt mộng mơ hơn… Phải chăng chính vì thế mà từ xưa khi cho xây dựng bộ Cửu Đỉnh thì vua Minh Mạng đã cho đúc hình ảnh của “ căp đôi ” này lên bộ đỉnh đó để khẳng định vẻ đẹp tuyệt mỹ của hai danh thắng bậc nhất của mảnh đất “ Thần Kinh ”.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.