Với màu điên điển say mê, vàng trong ánh mắt vỗ về gót chân"...
Theo “Tạp bút năm Nhâm Thìn” của cụ Vương Hồng Sển - NXB Trẻ 2012 có ghi: Theo tín ngưỡng người Khmer, hàng năm bà con đều làm chay cầu siêu cho tổ tiên hoặc các vong hồn chết oan. Vào ngày ấy, từ sáng sớm các vị sư sãi ra đồng tìm những mồ mả xiêu lạc để đọc kinh cầu nguyện. Theo phép nhà Phật, các vị sư chỉ dùng cơm được một thời duy nhất. Chính vì vậy các thiếu nữ và trinh nữ trong làng mới giúp các sư một bữa ăn gọi là "làm phước". Các cô gái ấy dùng xuồng ba lá, cứ hai cô một xuồng bơi ra giữa đồng tìm các cây điên điển có nhiều bông để dừng lại làm bánh. Các cô chọn những nhánh hoa tươi, đẹp rồi kéo xuống nhúng các chùm bông điên điển vào vịm bột đã chuẩn bị sẵn. Sau đó kéo chùm bông sang chảo mỡ nóng để chiên cho chín vàng. Xong, họ buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ. Bánh đó gọi là bánh treo trên cành làm bằng bông điên điển để dâng cho các sư sãi.
Trong tục lệ của người Khmer, bông điên điển được làm bánh, thứ bánh nghi lễ rất được trân trọng. Ngày trước điên điển rộ bông vào độ tháng 8, tháng 9, bắt đầu mùa nước nổi nhưng giờ đây điên điển có quanh năm ở miệt An Giang, Tiền Giang bởi người ta trồng điên điển quanh những con rạch đầy nước, nước chảy qua chảy lại hoài nên điên điển cứ hết đợt hoa này lại trổ đợt hoa khác.
Bông điên điển được hái ngon nhất là vào buổi chạng vạng, bông vừa hé nhụy, rất tươi ngon
Men theo các con rạch, bờ kênh... bông điên điển vàng rực rỡ nở rộ từng chùm, sắc vàng tươi nổi bật trên nền lá xanh. Nhìn yêu kiều như nụ cười cô gái vừa tròn tuổi mộng. Cứ xuôi thuyền trên những dòng kênh, chỉ ngắm bông thôi đã thấy lòng mát rượi giữa buổi trưa hè. Cây điên điển là loại cây có thân xốp, nhẹ, thường dùng để làm đế giày, nút chai, mọc hoang ở ven vùng sông nước miền Tây, đặc biệt ở vùng An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, vùng nước ngọt. Nhưng điên điển đâu chỉ là… hoa mà còn là thức ăn, thức ăn rất phong phú, độc đáo, là đặc sản của cả miền Tây rộng lớn.
Bạn cứ về miệt An Giang, Đồng Tháp sẽ thưởng thức hàng chục món ăn từ bông điên điểm: gỏi điên điển, điên điển xào tôm, điên điển chấm cá kho lạt, chấm mắm kho, bông điên điển bún nước lèo, nhân bánh xèo, dưa chua bông điên điển, canh chua bông điên điển.
Về miền Tây, một lần nào đó hãy ghé lại quán Bảy Bồng 2 để ăn món canh chua bông điên điển trứ danh có tuổi đời gần 70 năm
Ở Châu Đốc, An Giang, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài giới thiệu quán Bảy Bồng 2 (Đường Trưng Nữ Vương nối dài, lộ 2000) là nơi nấu canh chua ngon bậc nhất ở đây. Quán được thành lập từ năm 1946, chủ quán đầu tiên là ông Bẩy Bồng. Trải qua gần 70 năm, đến thế hệ thứ 3 là anh Nguyễn Văn Dũng làm chủ quán thì quán Bảy Bồng vẫn giữ nguyên vị thế “đệ nhất” của các món: canh chua bông điên điển cá hú, cá bông lau, cá hú kho tộ, cá két chiên tươi bằm xoài…
Chủ quán Bảy Bồng cho biết, bông điên điển được hái ngon nhất là vào buổi chạng vạng, bông vừa hé nhụy, rất tươi ngon. Bông tươi nấu món gì cũng ngon và tạo nên hương vị rất riêng. Nếu nấu canh chua bông điên điển ngoài bông điên điển thì cần có thêm vài cọng bông súng, bạc hà, me, rau thơm, ớt và cá bông lau, cá linh hoặc cá hú mới bắt dưới sông lên.
Bông điên điển tươi nấu món gì cũng ngon và tạo nên hương vị rất riêng
Nấu canh chua bông điên điển cũng giống hệt như nấu canh chua các thức rau khác. Cá bông lau làm sạch, xắt khứa vừa ăn. Bông điên điển nhặt bỏ cọng, rửa sạch. Ớt xắt lát mỏng. Cho nước vào nồi nấu cho me tan, nêm nước mắm, muối, đường và bột ngọt cho sôi, cho cá vào đến khi chín, bông điên điển, bông súng, bạc hà sau đó rưới tỏi đã phi vàng, rắc thêm rau thơm… Thế là đã có nồi canh chua bông điên điển thơm lừng.
Trải qua 3 đời, quán Bảy Bồng vẫn giữ nguyên vị thế "đệ nhất" của món canh chua bông điên điển cá hú, cá bông lau
Bông điên điển vừa ngọt vừa bùi, cá bông lau ngọt và béo ngậy, vị chua của me, vị cay nồng của ớt… Và cả màu vàng tươi của hoa, vàng sậm của tỏi phi vàng, màu xanh của lá, màu đỏ của ớt… tạo nên sự hấp dẫn cho món canh chua. Tất cả các vị chua, cay, ngọt hòa với mùi thơm ngào ngạt bốc lên cùng với màu sắc hấp dẫn kia nữa, giục giã đôi đũa gắp, chén cơm vơi, ngon không tài nào tả xiết.
Bạn không phải chờ mùa nước nổi để về miền Tây ăn bông điên điển nữa, bởi giờ đây điên điển đã trở thành hoa của bốn mùa. Bạn hãy về miền Tây, một lần nào đó ghé lại quán Bảy Bồng 2 để ăn món canh chua bông điên điển trứ danh có tuổi đời gần 70 năm thì dù giữa cái nắng trưa gắt gỏng bạn vẫn cảm nhận được cơn gió từ dòng sông thổi vào lồng lộng…
Tô canh trong kí ức những người con miền Tây và cả những ai ghé qua xứ bưng biền trót tơ vương vùng đất này
Canh chua điên điển vốn là món ăn dân dã nhưng giờ đây đã được đưa vào nhà hàng sang trọng được thực khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Đó còn là món ăn của thời khẩn hoang, lập địa vùng miệt thứ, món ăn của kí ức. Mà kí ức thì có dễ quên bao giờ…
Nguyễn Thị Việt Hà
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.