Mùa nước nổi, cá linh theo con nước từ Biển Hồ đổ về các nhánh kênh, sông ở miền Tây. Khi nước nổi phủ trắng ruộng đồng, cá linh rút vào đồng nước trốn sóng gió. Lúc bấy giờ cá cỡ đầu ngón tay út. Tới tháng 10 âm lịch nước rút, cá đã lớn hơn ngón cái tuôn ra sông lớn lội xanh mặt nước .
Cá linh non
Dù đầu mùa hay cuối mùa, loài cá này chế biến theo cách nào cũng ngon và hấp dẫn như: cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh… Nếu những con cá linh mập ú, bụng đầy mỡ thì vẫn có thể kẹp tre mang nướng trên bếp than ửng hồng, thịt cá vừa ngọt vừa béo và cũng lại cho hương thơm phương phức, đặc trưng.
Cá linh kẹp tre nướng
Cá linh to có thể dùng làm mắm nhưng đặc sắc nhất có lẽ là cá linh nấu điên điển. Nồi canh có vị chua của me, vị béo của cá, vị thơm của gia vị, hoa điên diển cho hương vị rất đặc biệt, có độ giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, rồi những đọt ngó sen non mướt, rau nhút tươi non… Tất cả cho nồi lẩu cá linh thơm ngất ngây mà du khách khó có thể quên
Lẩu cá linh non bông điên điển
Mùa nước nổi, cá rô lên ruộng để kiếm thức ăn là những bông lúa rụng. Cá lớn rất nhanh và mập béo. Những con cá rô bí (còn gọi là rô bi, rô non, rô dăm) nhỏ xíu, chỉ độ vài tháng sau to cỡ 3 – 4 ngón tay, người ta gọi cá “rô mề”,
Cá rô mề
Thịt cá rô mề ngọt, béo, thơm ngon chế biến món ăn nào cũng tuyệt. Khi nhắc tới cá rô mề, ta thường nghĩ tới những món như cá rô mề nướng giầm nước mắm chanh tỏi ớt, cá rô mề chiên xù, cá rô mề kho rau răm, cá rô mề kho củ cải hay quấn nướng lá lốt…
Cá rô kho bầu non là một món ngon dân dã. Giẽ một miếng thịt cá rô thơm phức, chấm với nước tương ngon giầm ớt sừng trâu. Cắn một miếng bầu non mềm, dẻ dặt, ngon ngót, bạn sẽ thấy thấm đẳm hương vị tuyệt vời đến chân răng, đầu lưỡi.
Cá rô khô bầu non
Cá rô kho trái giác là một món ẩm thực độc đáo khác không kém phần hấp dẫn. Dùng trái giác khi còn dôn dốt để kho cá rô là ngon nhất! Thịt cá rô kho trái giác có vị ngọt, béo, thơm lừng lựng. Trái giác có vị chua, ngọt, dôn dốt sẽ tạo thành một “hợp khúc” dân dã, đậm đà khó quên.
Cá rô kho trái giác
Cá heo nước ngọt thường xuất hiện vào mùa nước nổi (tháng 7-10 âm lịch) nơi có dòng nước chảy mạnh. Cá heo mình dẹp, to nhất cỡ 3 ngón tay người lớn, dài độ chừng một tấc, da láng,. Đuôi, vây, kỳ cá heo màu đỏ cam rất đẹp. Thịt cá heo béo, thơm ngon (nhất là da) được nhiều du khách yêu mến ẩm thực ưa chuộng.
Cá heo được chế biến nhiều món ăn ngon như: cá heo kho sả ớt, cá heo nướng muối ớt, cá heo nấu lẩu cơm mẻ, cá heo kho mẳn (kho ngót) với lá me non.v..v…; nhưng món ăn gây ấn tượng nhất là: Cá heo kho tộ. Cơm nóng bới ra chén. Chỉ cần gắp một con cá heo cho vào miệng nhai từ từ để cảm nhận vị béo của da, ngọt, thơm ngon của thịt cá thấm dần và lan tỏa mọi giác quan…
Cá heo kho tộ
Từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hàng năm, khi đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi, loài động vật hoang dã này không còn chỗ cư ngụ nên rất dễ vị người dân bắt được
Món ăn từ rắn rất phong phú phổ biến nhất phải kể đến là cháo rắn nấu đậu xanh, xào xả ớt, nướng lèo, hầm xả, gỏi rắn, lẩu rắn… Món nào cũng ngon.
Gỏi rắn
Rắn hầm xả
Thậm chí bắt về ăn không hết, người dân còn làm sạch đem phơi khô thành món khô rắn cực kì thơm ngon, bổ dưỡng. . Khô rắn ngon phải đạt tiêu chuẩn bề ngoài đã rám nắng mà bên trong thịt vẫn còn tươi. Người ta thường chọn các loại rắn nước, rắn bông súng, ri voi, ri cá … để làm khô rắn. Thường khô rắn được du khách thưởng thức tại chỗ bằng cách nướng trên lửa than hồng. Lửa nướng vừa phải, hơi nóng sẽ làm thịt chín cả trong lẫn ngoài, bay tỏa mùi thơm ngọt ngọt tự nhiên.
Khô rắn nướng
Ai từng một lần đặt chân đến nơi đây, khi trở về xin đừng ngần ngại mang một chút mặn mà của đặc sản khô rắn làm quà cho người thân, bạn bè.
Có thể săn chuột đồng quanh năm song ngon nhất, vẫn là chuột sau vụ gặt. Có nhiều cách để săn chuột đồng như đào hang, bẫy, xiên… Ngoài ra, người dân miền Tây còn có cách khác là đuổi cù trong ruộng, tức dụ chuột gom về chòm lúa giữa đồng rồi dùng lưới bắt một lần. Mỗi lần đuổi cù, số lượng chuột bắt được lên tới vài trăm con. Giá chuột trong mùa nước nổi vì thế cũng rẻ hơn. Tại miền Tây, thịt chuột còn là thực phẩm sạch, do thức ăn chủ yếu của loài này là nông sản, cỏ non, còn khu vực sống của chúng lại xa dân cư nên ít mầm bệnh.
Chuột có rất nhiều loại cũng được chế biến thành cả trăm món ăn khác nhau: chuột nấu canh chua, chuột kho, chuột nướng chao, chuột xào lá cách, lá mãng cầu, sả ớt…v…v.. lạ miệng hơn nữa là món chuột đồng nướng lu thơm lừng, mỗi món ăn từ thịt chuột sẽ đều đánh động vị giác của thực khách để lại cảm nhận đậm đà khó quên.
Chuột nướng lu
Người miền Tây cho rằng, chuột đồng khìa nước dừa chấm với cẩm tương (tương xay, sả, ớt, tỏi, nước cốt dừa, đậu phộng rang đâm nhuyễn với đườn), ăn với rau rừng mới là sành điệu. Vị ngọt và dai của miếng thịt chuột vàng ươm được khìa trong nước dừa béo ngậy cùng vị thơm của các loại gia vị tạo nên một hương vị ẩm thực độc đáo của Tây nước nổi
Chuột khìa nước dừa
Nguồn: sưu tầm
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.