Borobudur (hay còn gọi là Candi Borobudur theo tiếng địa phương), đền thờ Phật Giáo độc đáo nhất thế giới, nằm trong danh sách các kỳ quan di sản quan trọng của nhân loại, luôn là điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào đặt chân lên hòn đảo Java phì nhiêu của Indonesia. Tọa lạc tại tỉnh Magelang, miền trung đảo Java, ngôi đền này nằm trong số ít các di tích Phật Giáo còn sót lại sau khi đạo Hồi ồ ạt du nhập vào Indonesia cuối thế kỷ thứ 13. |
Borobudur được xây dựng vào thế kỷ thứ 9, dưới vương triều Sailendra sùng bái đạo Phật. Cái tên Borobudur được lấy từ chữ Phạn “Vihara Buddha Ur”, nghĩa là “Đền thờ Phật trên núi cao”. Ngôi đền đặc biệt ở lối kiến trúc Phật Giáo Java, ấn tượng với sự pha trộn giữa khái niệm truyền thống bản địa là thờ cúng tổ tiên và ý tưởng đạt tới cõi Niết Bàn của đạo Phật. Mặc dù đền Borobudur còn phảng phất dấu ấn nghệ thuật thời vương triều Gupta (320-550 sau Công Nguyên) của Ấn Độ, đây vẫn được coi là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo mang dáng dấp văn hóa Indonesia, nhờ vào các họa tiết và tranh vẽ chạm khắc đậm nét Java, cũng như nguyên liệu đá núi lửa được sử dụng trong quá trình xây dựng đền. |
Sừng sững trên một đỉnh đồi cao, Borobudur khiến người ta trầm trồ vì vẻ ngoài uy nghi, đồ sộ nhưng rất cổ kính và tôn nghiêm. Được xây dựng theo mô hình một Mạn đà la (Madala), tức là một mô hình về vũ trụ hoàn hảo theo quan niệm của Phật Giáo Đại Thừa hay Kim Cương Thừa (tương tự Phật Giáo Mật Tông ở Tây Tạng), Borobudur có 4 lối lên xuống Đông, Tây, Nam, Bắc, trong đó cổng chính nằm ở hướng Đông. |
Cao 42m, với kết cấu 3 lớp rõ rệt, tượng trưng cho Tam giới trong cõi Ta bà, bao gồm Kamadhatu (Dục Giới), Rupadhatu (Sắc Giới) và Arupadhatu (Vô Sắc Giới), đền Borobudur giống như một đài sen khổng lồ, ẩn chứa vô vàn triết lý sâu xa của đạo Phật. |
Lớp chân đế (gồm 2 tầng dưới cùng) có bình đồ hình vuông, bốn cạnh hướng về bốn hướng, mỗi cạnh có lối đi lên tầng trên nằm chính giữa với hai con sư tử lớn chầu hai bên. Đây là lớp phản ánh Dục Giới, bao gồm 160 mảng phù điêu mô tả hoạt cảnh của cuộc sống trần tục, những hoạt động trong đời sống hàng ngày, cũng như dục vọng tầm thường của chúng sinh. |
Lớp thứ hai (gồm 4 tầng ở giữa) cũng có bình đồ hình vuông, với các hành lang thông nhau tứ phía. Dọc các hành lang ấy là 1,300 mảng điêu khắc nối tiếp nhau mô tả các tích truyện về cuộc sống của con người và tu sĩ, sự tích Phật Tổ, cũng như các nghi thức tôn giáo. Lớp Sắc Giới phản ánh cõi tu hành, cảnh giới cao hơn của Dục Giới, khi con người đã biết hướng tới cái thiện, dù chưa đạt được giới cao nhất của Phật Pháp. Ngoài ra, bốn tầng giữa của Borobudur còn có 1.212 mảng điêu khắc trang trí vô cùng tinh tế với các hoa văn mang dấu ấn bản địa, khiến du khách không khỏi mê mẩn và choáng ngợp khi dạo bước quanh những hành lang đá xám của ngôi đền đồ sộ này.
Trên đỉnh các cổng vòm ở mỗi tầng được trang trí bằng gương mặt Kala, vị thần hủy diệt trong truyền thuyết Java, cũng là biểu tượng được dùng phổ biến trong điêu khắc và kiến trúc truyền thống trên hòn đảo này
Lớp cuối gồm 3 tầng trên cùng, cũng là lớp Vô Sắc Giới được thể hiện bằng 3 vòng tròn đồng tâm, mang ý nghĩa nơi đây không có điểm khởi đầu và cũng không có điểm kết thúc. Theo Phật Giáo, đây là cõi Niết Bàn, cảnh giới cao nhất của sự tu luyện. Trên mỗi tầng có kết cấu vòng tròn là 72 tháp Phật, được thiết kế như những chiếc sọt có lỗ trang trí xung quanh và đỉnh phía trên có hình trụ nhọn.
Trong mỗi chiếc sọt ấy là một tượng Phật đang ngồi ở tư thế thiền định. Hiện tại có 2 sọt đã mất nắp để lộ ra tượng Phật bên trong. Tầng cao nhất còn có một bảo tháp khổng lồ ở tâm vòng tròn, trông như một quả chuông úp ngược. Ở chân đế của bảo tháp này có một đường tượng trưng cho sợi dây trói buộc kiếp người, sau đấy là hình các cánh sen đại diện cho cõi Phật. Người ta nói rằng, khi tới bảo tháp trên đỉnh ngôi đền khổng lồ này, hãy đi đủ 3 vòng theo chiều kim đồng hồ quanh nó để có sức khỏe, may mắn và bình an.
Nhìn vào kết cấu 3 lớp tượng trưng cho 3 giới theo quan niệm Phật Giáo ở Borodudur, người ta có thể dễ dàng nhận ra con đường tu luyện thành Phật thật gian nan, phải trải qua tất cả các tầng tu luyện từ thấp đến cao, nếm trải sinh, lão, bệnh, tử, vượt qua các dục vọng tầm thường để giác ngộ được cõi thiện và vô thường, sau đấy là sự giải thoát khỏi kiếp luân hồi sinh tử.
2.760 bức phù điêu ở Borobudur mô tả nhiều cảnh của cuộc sống hàng ngày ở Java vào thế kỷ thứ 8, từ thường dân cho tới hoàng tộc, tu sĩ. Ngoài ra, chúng cũng mô tả các huyền thoại trong Phật Giáo như Atula, các vị thần, Bồ Tát… Vì lẽ đó, những bức phù điêu quý giá này được sử dụng như một cẩm nang tham khảo phong phú cho các nhà sử học chuyên nghiên cứu về kiến trúc, vũ khí, trang phục, tín ngưỡng, hay các phương tiện vận tải của thế kỷ 8 ở Java.
Để thăm hết 9 tầng của Borobudur và cảm nhận được sự chuyển biến của tam giới qua hàng ngàn bức phù điêu, du khách phải đi bộ tổng cộng 5km trên những hành lang đá xám.
Mặc dù là niềm tự hào của Phật Giáo Java, nhưng Borobudur đã từng bị chôn vùi dưới lớp tro bụi núi lửa và rừng rậm trong nhiều thế kỷ. Giữa thế kỷ 13, khi đạo Hồi từ Ả Rập du nhập tới Java thông qua con đường giao thương, sau đó được sự chấp thuận và ủng hộ của các vương quốc Hindu lớn, toàn bộ dân cư trên hòn đảo này trở thành tín đồ Hồi Giáo chỉ sau hơn 200 năm. Đạo Phật một thời hưng thịnh và đạo Hindu dần rơi vào quên lãng.
Mãi tới năm 1814, Phó Thống đốc Tổng người Anh Thomas Stamford Rafles, người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Java (Java thuộc quyền quản lý của Anh Quốc từ 1811 đến 1816), trong một chuyến thăm Semarang, đã được người dân địa phương thông báo về một tượng đài lớn nằm sâu trong một khu rừng gần làng Bumisegoro. Ông đã cử Cornelius, một kỹ sư người Hà Lan vào rừng để tìm hiểu thêm về tượng đài đó. Trong hai tháng, Cornelius và 200 người chặt cây, đốt cháy thảm thực vật và đào đất, cuối cùng tượng đài đó cũng lộ ra. Tuy nhiên, do lo sợ tượng đài bị sụp đổ, ông không thể khai quật tất cả, mà báo cáo kết quả cho Raffles, kèm theo những bản vẽ khác nhau. Mặc dù công cuộc khai quật ngôi đền ban đầu không được hoàn thiện, Raffles vẫn được biết đến như người đã đưa bí ẩn về Borobudur ra toàn thế giới, sau 6 thế kỷ bị lãng quên. Đến năm 1835, Borobudur mới được khai quật toàn diện, nhờ công của Hartman, người tiếp tục công việc của Cornelius.
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc năm 1945, chính phủ Indonesia mời nhiều nhà khảo cổ trên thế giới đến nghiên cứu về Borobudur, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của UNESCO trong công cuộc trùng tu đền. Năm 1948, Liên Hợp Quốc có một dự án trùng tu nhỏ đối với Borobudur, nhưng phải tới năm 1973, một chương trình trùng tu với quy mô lớn mới được thực hiện dưới sự đảm nhiệm của UNESCO và 27 quốc gia trên thế giới. Chương trình kéo dài 9 năm và tiêu tốn 17 triệu đô la Mỹ. |
Hiện nay, Borobudur là địa điểm được viếng thăm nhiều nhất Indonesia. Ngôi đền không chỉ là một kỳ quan tuyệt vời của riêng quốc gia núi lửa này, mà còn là một di sản vô giá của Phật Giáo và của cả nhân loại. |
Đền Borobudur cách thành phố du lịch nổi tiếng Yogyakarta 40km về phía Tây Bắc nên việc đi lại rất dễ dàng. Nếu muốn ngắm bình minh tuyệt đẹp ở ngôi đền nổi tiếng này, bạn nên khởi hành từ trung tâm Yogya tầm 4h sáng. Thuê xe máy ở đây khá đơn giản, nhưng thành phố rất đông đúc vào các giờ cao điểm, và người dân dù đi ô tô hay xe máy đều phóng với tốc độ cao. Vì vậy, nếu bạn tự tin vào tay lái của mình, xe máy vẫn là một lựa chọn hoàn hảo, rẻ và tự do. |
|
Vé vào Borobudur là 20USD/ người lớn, tuy nhiên bạn nên cân nhắc đi thêm đền Hindu Prambanan (cách Yogya khoảng 25km), với giá cho cả hai là 30USD (đi riêng Prambanan là 20USD). Hãy dành trọn một ngày ở Borobudur nếu bạn là người thích quan sát kỹ và khám phá tỉ mỉ. Sau khi rời đền, hãy leo lên ngọn đồi đối diện, ngồi nghỉ trong một cái chòi nhỏ, bạn có thể ngắm đền từ trên cao. |
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.