Vẻ quyến rũ của mùa nước nổi miền Tây
Khi nước từ đầu nguồn Mekong tràn về, miền Tây nước nổi trắng đồng, cuộc sống trở nên sinh động sau những mùa buồn tẻ. Ai đã từng về vùng đất “chín rồng” mà chưa được chứng kiến cuộc sống lênh đênh sông nước mùa lũ thì coi như chưa biết gì. Thời điểm lũ về, hai nơi được xem như trung tâm của vùng lũ là Đồng Tháp Mười và An Giang - tâm điểm làm nức lòng du khách muốn được một lần trải nghiệm đời sống tự do phóng khoáng như chính tấm lòng rộng mở của người nông dân Nam bộ.
Mùa cá tôm đầy ắp
Xem thêm: Du lịch Đồng Tháp - Du lịch An Giang
Đồng Tháp Mười mùa nước mênh mông, tha hồ cho bạn thỏa chí tang bồng với những chuyến chèo thuyền thu hoạch cà, ớt, đặt trúm thả câu... rồi nổi lửa ngay trong bưng, chế biến những món ăn dân dã vừa thu hoạch tươi ngon, hấp dẫn. Tuy nhiên, đêm về mới là lúc cho bạn những trải nghiệm thú vị. Trên chiếc xuồng ba lá đơn độc giữa một vùng mênh mông sông nước, với chút ánh sáng le lói của ngọn đèn pin, bạn đã sẵn sàng thả câu, giăng lưới với nào cá, nào tôm từ đầu nguồn Mekong đổ về đầy ắp theo dòng nước. Thỉnh thoảng vẳng lên một câu hò lảng bảng khắp vùng nước trắng mênh mang, tâm hồn như tan vào từng hơi thở, nhịp sống của thiên nhiên hoang sơ vắng lặng.
Mùa nước nổi quyến rũ biết bao du khách
Nơi có mùa nước nổi đẹp nhất miền Tây phải kể đến rừng Tràm Trà Sư. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên chiếc tắc ráng nhẹ nhàng rẽ nước lướt trên những thảm bèo tấm xanh mướt, len lỏi vào sâu trong những khu rừng tràm tĩnh lặng. Thoảng trong gió mùi hoa tràm lãng đãng, vẳng nghe tiếng chim gọi bầy khi hoàng hôn buông xuống. Hành trình qua Búng Bình Thiên, nơi được coi như cái rốn của vùng lũ, để vào vai người nông dân chèo thuyền đi hái bông điên điển, bắt cá, trúm lươn rồi cùng nhau chuẩn bị cho bữa trưa đậm chất đồng quê với các món lẩu mắm cá linh, bánh xèo bông điên điển, gỏi tép bông súng đồng… tạm quên đi những mệt mỏi của cuộc sống, cùng trở về với thiên nhiên khoáng đãng, hồn nhiên.
Rừng tràm Trà Sư
Mùa nước về cũng báo hiệu chuẩn bị đến tết Dolta, một cái tết lớn của người Khmer Nam bộ. So với tết đón năm mới Chol Chnam Thmay hay lễ hội Oóc Omboc tưng bừng thì tết Dolta với ý nghĩa là dịp báo hiếu cho tổ tiên ông bà, cha mẹ được tổ chức ấm cúng trong gia đình người Khmer. Các gia đình sửa sang nhà cửa, lau dọn bàn thờ, sắm sanh lễ vật để đón ông bà về dự cùng con cháu rồi mời ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh, thuyết pháp. Người Khmer cho rằng đây là cách để con cháu báo hiếu, giúp ông bà được siêu thoát nhẹ nhàng.
Nếu có ý định trải nghiệm mùa nước nổi, bạn hãy tính thời điểm khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch và đừng quên thăm thú, thưởng thức các món ẩm thực Bảy Núi như bánh xèo rau núi, bánh thốt nốt, bò nướng mè, gà hấp lá trúc..
Nguồn: sưu tầm
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.