Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ như in cứ độ tháng 10 âm lịch là ba tôi chuẩn bị lên liếp trồng dưa hấu. Trước tết, khi dưa bắt đầu đơm hoa kết trái ba tôi thường dùng dao cắt bỏ bớt những trái nhỏ, chỉ chừa lại mỗi dây một trái.
Dưa hường
Thấy tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, ba ôn tồn giải thích để trái dưa to, không bị đèo, phải loại bớt để dây đủ sức nuôi trái. Đó cũng là lúc má tôi mang rổ ra ruộng nhặt những trái dưa loại bỏ đem về nhà làm món ăn. Có khi ăn không hết, má mang ra chợ bán lấy ít tiền đổi những vật dụng khác.
Loại dưa hấu non loại bỏ này có ruột màu đỏ nhạt pha trắng, người dân miền đồng bằng quê tôi gọi là dưa hường (hoặc có nơi gọi dưa hồng, dưa canh, dưa hấu non).
Tuy là loại thứ phẩm, kích cỡ không đồng đều, chỉ to cỡ quả cam hoặc lớn hơn cổ tay một chút nhưng dưa hường được các bà nội trợ miền Tây ưa thích. Giá ở các chợ hiện nay chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Dưa hường được chế biến thành nhiều món ăn khá hấp dẫn như xào tép, kho cá rô hoặc xắt thành sợi phơi khô dành kho cá hoặc thịt. Nhưng tuyệt vời hơn trong những ngày chớm lạnh là món dưa hường nấu canh và vỏ dưa hường kho cá lóc.
Dưa hường nấu canh cá lóc
Vỏ dưa hường kho cá lóc
Cá lóc đồng làm sạch cắt khúc để ra rổ cho ráo. Dưa hường gọt vỏ, rửa sạch cắt vừa miếng gắp. Lửa hồng đã chuẩn bị. Trước hết bắc chảo lên bếp phi mỡ, tỏi thơm cho dưa hường vào xào sơ cho ngấm. Tiếp đến đổ nước lạnh vào nồi ngập xâm xấp với dưa.
Chờ dưa hường vừa chín tới mới thả cá lóc vào với ngọn lửa riu riu cho đến khi da cá chín nứt ra, cho một ít bột ngọt, nước mắm nêm vừa khẩu vị cùng một ít hành lá xắt nhuyễn vào nhắc xuống. Cuối cùng múc ra tô cho một ít tiêu xay và chuẩn bị một đĩa nước mắm nguyên chất cùng vài trái ớt hiểm.
Còn món vỏ dưa hường kho cá lóc tuy đơn giản nhưng phải có sự chuẩn bị từ trước. Dưa hường sau khi hái về gọt vỏ rửa sạch hoặc để vỏ nếu dưa non để khi kho sẽ giòn ngon. Dùng dao bén xắt thành những sợi mỏng rồi cho ra sàng phơi khô khoảng hai nắng cho vào keo để sẵn.
Vỏ dưa hường phơi khô
Cá lóc ướp gia vị để ngấm. Ngâm vỏ dưa hường khô vào nước lạnh cho mềm, vắt ráo nước cho vào cùng với cá. Thêm một ít nước lạnh bắc lên bếp kho lửa liu riu đến khi nước gia vị ngấm vào vỏ dưa và cá nứt da là chín. Nêm nếm lần cuối và cho thêm vài nhúm hành lá xắt nhuyễn, một ít tiêu xay rồi nhắc xuống.
Vỏ dưa hường phơi khô kho cá khỏi cần nước màu vì vỏ dưa hường phơi khô kho sẽ có màu vàng rất đẹp.
Trong không khí se se lạnh của những ngày đầu đông, bữa cơm đạm bạc dọn lên bàn với món dân dã khó quên canh dưa hường và vỏ dưa hường kho cá lóc vẫn thơm lừng và đầy hấp dẫn.
Gắp một miếng thịt cá lóc và vỏ dưa hường kho đưa lên miệng nhai chậm rãi sẽ cảm nhận vị ngòn ngọt, dai dai và mùi thơm đặc trưng của dưa hường hòa lẫn vị ngọt cá lóc lan tỏa. Và một miếng cơm nóng vào, sau đó chan vài muỗng nước canh húp một cái, mọi mệt nhọc lo toan dường như tan biến.
Nguồn : Sưu Tầm
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.