Giới thiệu Đình Chàng
Đình Chàng với kiến trúc cổ từ thế kỷ XVII, cấu trúc theo hình chữ Nhất có một tòa Đại đình. Đại đình là một kiến trúc đồ sộ gồm 3 gian 2 chái lớn, một tầng bốn mái với các đạo cong vút. Đại đình có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích 395m vuông. Thành phần chịu lực chính của Đại đình là hệ khung gỗ. Bộ khung kết cấu kiểu 6 hàng cột đều bằng gỗ lim, 4 cột cái gian giữa có đường kính tới 81cm.
Tiếp đến là các cột cái gian bên có đường kính 60cm, còn cột hiên có đường kính tương đối đều nhau 50cm. Đây cũng là đặc điểm kiến trúc nổi bất nhất của đình Chàng.
Một trong những nét đặc sắc của đình Chàng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, mà trước hết phải nhắc tới hình tượng rồng. Rồng là đề tài chủ đạo ở đình Chàng và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, và luôn là chủ đề xuyên suốt, xuất hiện trên hấu hết các mảng chạm của đình. Ngoài giá trị nghệ thuật trang trí, hình tượng rồng còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong một cuộc sống an hoà, thịnh vượng.
Trang trí rồng trên đầu dư đỡ câu đầu
Hình tượng rồng ở bức cốn
Hình tượng rồng trên các mảng chạm của đình
Ngoài đề tài rồng, phượng, nghệ thuật điêu khắc ở đình Chàng còn có các đề tài khác về con người. Thể hiện qua các hoạt cảnh người cưỡi hổ, cưỡi voi, tướng cưỡi ngựa (các điêu khắc gỗ được gắn trực tiếp lên thân các cột cái hai gian bên), đấu vật với nét chạm mềm mại: đầu to, mặt tròn, môi dày, mắt nhỏ, tai to, dáng mập.
Tướng cưới ngựa
Bảo tồn giá trị nguyên gốc
“Đình Chàng là một di tích cổ mang nhiều giá trị kiến trúc và điêu khắc. Vì thế nếu công việc trùng tu không được giao cho những người có chuyên môn thì sẽ khó có thể giữ được những giá trị nguyên gốc” là nhận định của KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, chủ nhiệm dự án trùng tu Đình Chàng.
Quá trình phục dựng, trùng tu đình Chàng kéo dài 5 năm, từ năm 2005 đến 2010. Chính vì thời gian kéo dài, nên mới có thời điểm dư luận phê phán. Quy trình mà Viện Bảo tồn di tích đã tiến hành gồm 3 công đoạn: khảo lập dự án, tu bổ kết cấu kiện gỗ, lắp dựng và hoàn thiện. Công đoạn đầu tiên tưởng như đơn giản những lại chiếm quá nửa thời gian khiến nhiều người tưởng như công việc bị đình trệ. Giải pháp trùng tu đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như lấy mẫu nấm mốc, xác định chủng loại nấm mốc bằng các thí nghiệm… Cột mục sau khi hạ xuống, được cạo bỏ lớp gỗ mục bên trong, giữ lại phần vỏ bên ngoài. Những phần mái hỏng hóc được xây lại bằng chính chất liệu vôi giấy như nguyên gốc sao cho mềm mại, ngói lợp là ngói nung theo kiểu truyền thống…
Chia sẻ về dự án, KTS Lê Thành Vinh cho biết: "Để công việc trùng tu di tích thành công như trường hợp đình Chu Quyến trong thời buổi đang thiếu trầm trọng những người trùng tu di tích chuyên nghiệp, khoa học và đúng cách như hiện nay không thể vội vàng được mà phải hết sức thận trọng, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt thì mới có thể thành công".
Thiết nghĩ: Bộ Văn Hóa Thể thao Du lịch nên có chiến lược đầu tư đào tạo đội ngũ kế cận chuyên nghiệp để có thể gìn giữ được nhiều di tich lịch sử văn hóa có giá trị khác của quốc gia.