(+84) 903 662 420

Nhà trăm cột

Cần Đước - Long An - Việt nam Di tích lịch sử được yêu thích tại Cần Đước, Long An
 
 

Nhà trăm cột

Ngôi nhà 100 cột tọa lạc tại vùng đất ven biển thuộc địa phận xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Được xây dựng vào những năm 1901-1903 bởi một nhóm thợ miền Trung, ngôi nhà 100 cột có kiểu trúc thời Nguyễn, về đại thể mang dấu ấn rõ rệt của phong cách Huế. Với diện tích 882m², ngôi nhà 100 cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m², chính diện quay về hướng Tây Bắc.
 

Giới thiệu Nhà trăm cột

 
Nhà trăm cột

Dòng họ danh gia vọng tộc xây nhà trăm cột

Điều độc đáo là ngôi nhà có rất nhiều cột, đây chính là bí quyết để ngôi nhà qua hàng trăm năm vẫn kiên cố, vững chãi. Người ta gọi là nhà Trăm Cột, tuy nhiên trên thực tế, khi hoàn thành nhà có 160 cột.

Năm 1997 nhà nước cấp chứng nhận Di sản Quốc gia, chính thức gọi là nhà trăm cột cho bớt dài dòng. Đó chính là điều làm nên nét đặc sắc của ngôi nhà ở miệt sông nước này.

Di tích lịch sử văn hóa Nhà trăm cột được công nhận là Di sản Quốc gia
Di tích lịch sử văn hóa Nhà trăm cột được công nhận là Di sản Quốc gia

Ngôi nhà “độc” ở miệt vườn sông nước

Thuở xưa, ở xứ Long Hựu (làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An) có gia đình ông hương sư, trưởng giả tên là Trần Văn Hoa (1879 – 1952) giàu nức tiếng. Ông là một đại địa chủ đức trọng, tài cao, ăn ở có trước có sau nên được dân chúng trong vùng mến mộ kính nể.

Bà Trần Thị Ngõ (SN 1947, là cháu dâu, người gọi ông Hoa bằng cố), là hậu thế, không chứng kiến cảnh xây nhà, thế nhưng bà nghe cha chồng kể lại rằng: “Ngôi nhà xây mất 5 năm mới xong, trong đó 2 năm xây dựng, 3 năm chạm khắc”. 15 nghệ nhân Huế được ông Hoa nuôi ăn ở ngay trong nhà suốt 5 năm trời.

Hương sư Trần Văn Hoa người xây nhà trăm cột
Hương sư Trần Văn Hoa người xây nhà trăm cột

Tuy phải nhờ đến nghệ nhân, nhưng việc thiết kế mẫu nhà lại là do chàng trai Trần Văn Hoa quyết định. Bởi, ai cũng biết, tuy mới 22 tuổi đời nhưng Hoa cực giỏi về kiến trúc, đó là điều hiếm thấy ở chốn miệt sông nước, nơi xưa nay chỉ có cách dựng nhà bằng cây chàm, lợp lá dừa tạm bợ.

Anh Trần Văn Ngộ (tính theo đời ngôi nhà thì anh là cháu đời thứ ba của cụ Hoa) kể với tôi rằng, tất cả công đoạn xây nhà được ông nội kể lại là rất kỳ công, mất rất nhiều công sức, thời gian, còn chi phí thì không thể nào tính nổi. Tất cả vật liệu nhà như gỗ, gạch nền, đá trụ, ngói lợp hoàn toàn lấy từ nơi khác chứ không phải ở quê nhà như người ta lầm tưởng. Vì xứ Long Hựu hồi đó nhiều rừng, nhưng chủ yếu cây thân xốp, không có loài gỗ tốt theo yêu cầu của nhà rường.

Gỗ tốt chỉ có ở vùng  Tân Uyên - Thủ Dầu Một (Bình  Dương ngày nay), còn phần dự tính dùng đá xanh, gạch lục giác. Đá xanh thì chỉ có một số ngọn núi ở vùng Biên Hòa, còn gạch ở các lò ở Biên Hòa nổi tiếng bền đẹp, không chê vào đầu được.

Mặt trước của ngôi nhà trăm cột
Mặt trước của ngôi nhà trăm cột

Về quê, ông cho người lên vùng rừng Tân Uyên - Bến Cát, chọn những loài cây thân gỗ như: Gõ đỏ, mun, thao lao, cẩm bông, trắc, giá tị, trong đó đặc biệt gỗ giá tị, được mệnh danh là “vua gỗ”  mà người ta chỉ dùng làm báng súng được ông ưu tiên tìm với số lượng nhiều nhất.

Đích thân ông Hoa chọn những thân cây lớn nhất, dài nhất đẳn nguyên cây, lọc phần vỏ và phần có thể mục bên ngoài, chỉ còn lõi rồi phơi khô. Tuy nhiên, phần vận chuyển mới thực khó khăn. Bởi, tính khoảng cách đường chim bay thì từ Bến Cát - Tân Uyên về đến Long An không quá trăm km.

Thế nhưng, hồi đó không hề có đường lớn, chỉ có những con lộ nhỏ, nhưng không có phương tiện để vận chuyển hàng trăm thớt gỗ khổng lồ, nặng hàng tấn. Chàng thanh niên Trần Văn Hoa đã chọn đường sông để đưa gỗ về.

Hệ thống sông Sài  Gòn chảy từ hồ Dầu  Tiếng (Tây Ninh ngày nay) nối Thủ Dầu Một cắt qua tỉnh Chợ Lớn (ngày nay là ranh giới địa phận Long An và Sài Gòn), xuôi về hạ nguồn, đổ ra cửa biển. Xứ Long Hựu nhà ông chính là điểm mút của hạ nguồn sông, từ cửa biển có con rạch dẫn vào tận nhà ông. Vì thế, chỉ cần đưa gỗ lên bè, từ Thủ Dầu Một cho chảy xuôi là về đến nhà ông.

Ngày vận chuyển gỗ, chứng kiến sự kiện ông hương sư xây nhà mà ngỡ như xây một kinh thành bằng gỗ. Những thân cây khổng lồ ngày nối ngày được vận chuyển bằng bè về, xếp ngổn ngang trên mảnh đất nhà ông. Song song với đó là một đội đào đất cơi nền.

Xong xuôi, ông lại cho người ngược Biên Hòa chọn những thớt đá xanh đục đá, đích thân ông tìm đến lò gạch uy tín nhất ở Biên Hòa đặt nung gạch lục giác và ngói liệt (loại ngói dành riêng lợp nhà rường) vận chuyển về. Sau khi vật liệu xong xuôi, 15 nghệ nhân điêu khắc, kiêm dựng nhà làng Mỹ Xuyên, được ông Hoa chính thức mời vào ăn ở ngay trong nhà, cùng ông thiết kế.

Ngày ấy, nhà ông Hoa giàu, công bộc sòng phẳng, nên những nghệ nhân không nề hà, cống hiến hết mình. Tổng giá trị ngôi nhà khoảng 15 nghìn đồng (thời tiền tính bằng xu, cắc). Ngày khánh thành nhà, một lễ tân gia trước nay chưa từng có, những quan tước Nam Kỳ Lục Tỉnh, quan Tây đến chúc mừng rầm rập, dân chúng kéo đến xem như nêm, ăn uống linh đình nhiều ngày trời. Người ta tò mò đến xem một công trình nghệ thuật mà xưa nay vùng sông nước không ai có.

Dòng tộc vương giả

Bà Ngõ cho biết, thời hoàng kim của dòng họ là đời ông Trần Văn Hoa. Thời ông Trần Văn Nhơn cũng giàu, thế nhưng chưa gây được tiếng vang trong Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đời ông Hoa đã thừa hưởng sự nghiệp của cha, và đẩy thanh thế dòng dõi họ Trần nhà mình đến độ giàu có tột đỉnh, khắp vùng không ai sánh nổi.

Thế hệ ông Trần Văn Hoa, trong vùng có các hương quan, nhưng tất cả chỉ là hạng “chiếu dưới”. Trong khi Nam Kỳ còn nghèo khó, đi lại chủ yếu là ghe thuyền hoặc xe ngựa, thì thời đó nhà ông Hương sư đã bận com lê, cà vạt, đi giày Tây, đi xe hơi Tắc- Song (Traction Avant) sang trọng của Pháp, lên xuống Sài Gòn - Long Hựu như đi chợ.

Người dân trong vùng ví nhà ông hương sư Hoa như một xã hội thu nhỏ, tự cung tự cấp. Ông Hoa sở hữu gần như toàn bộ ruộng đất của xứ Long Hựu để trồng lúa, cho thuê. Những thửa ruộng màu mỡ bạt ngàn, hút tầm mắt, thẳng cánh cò bay.

Bà Trần Thị Ngõ chủ nhân ngôi nhà vô giá
Bà Trần Thị Ngõ chủ nhân ngôi nhà vô giá

Trong  nhà bao giờ cũng có hàng trăm người làm công. Có đội đi cày, đội trồng trọt, đội đánh lưới, đội trồng dâu nuôi tằm, đội dệt vải, đội chăn trâu, bò, đội nuôi heo…mỗi đội được phân công những việc làm cụ thể, năm đi mùa đến chẳng bao giờ hết việc.

Anh Trần Văn Ngộ chỉ cho  tôi khoảnh đất sau nhà cho biết, xưa kia ông nội ông kể lại rằng, nhà có hẳn một dãy lớn làm kho đựng lúa, thế nhưng năm 1952 đã bị dỡ bỏ (cũng là dỡ luôn 40 cột, tổng cộng nhà nay còn 120 cột). Bên cạnh là hệ thống chuồng trại chăn nuôi, khu nhà dệt vải, khu nhà ăn uống… nhưng do thời gian và điều kiện kinh tế không được bảo tồn, hư hỏng, nay không còn nữa.

Người dân trong vùng còn đồn nhau, ông Hoa tuy là đại địa chủ, làm quan lớn, tham gia Hội quản hạt Nam kỳ nhưng rất thương người. Ông thuê nhân công, đến hạn chi trả rất sòng phẳng, những năm mất mùa, trong khi các hương chức, cường hào khác bắt dân đền hết, thì ngược lại, nhà ông Hương sư Trần Văn Hoa sẵn sàng bãi bỏ thuế, còn hỗ trợ thêm lúa gạo.

Những kiểu cột, kèo được chạm khắc tinh xảo trong ngôi nhà
Những kiểu cột, kèo được chạm khắc tinh xảo trong ngôi nhà

Những người nghèo nợ nần các cường hào khác, không có trả, ông đứng ra trả thay và gọi về cho ăn ở trong nhà, tạo công ăn việc làm, nuôi trả công đàng hoàng. Mặt khác, ông lại quan hệ thân mật với quan Pháp, nên rất được Pháp nể. Vì thế, trong những trận càn của Pháp nhà cửa của các hương chức khác bị đốt phá sạch, thì nhà ông vẫn được giữ nguyên.

Người dân làng Long Hựu kể cho chúng tôi rằng, trước kia trong vùng cũng có một số địa chủ cất nhà bằng gỗ lớn. Tuy nhiên, khi biến động, hoặc là giặc Pháp đốt phá, hoặc là dân chúng căm ghét nổi lên đốt sạch, duy chỉ có ngôi nhà của ông Hương sư Trần Văn Hoa không ai đả động đến. 

Ông Trần Văn Hoa là địa chủ dân tộc, có tinh thần kháng giặc. Nhưng do địa vị là giai cấp, gắn lợi ích với quan Tây, nên ông không thể chống đối ra mặt, tuy nhiên gia đình giúp đỡ cách mạng thời kỳ phôi thai rất nhiều.

Một số cột được thiết kế tinh xảo bên trong ngôi nhà trăm cột
Một số cột được thiết kế tinh xảo bên trong ngôi nhà trăm cột

Trước những năm 30, nhà ông là nơi lui tới của những sỹ phu yêu nước. Sau những năm từ 1930 trở đi, cách mạng ở Nam Kỳ đang nhen nhóm, ngôi nhà che chở, giúp gạo cho những người làm cách mạng rất nhiều. Và, để dung hòa mối quan hệ, ban ngày nhà ông trở thành nơi tiếp các quan chức, binh lính Pháp, đêm lại là nơi lui tới của những cán bộ làm cách mạng.

Trong nhà ông từng đào hệ thống hầm ngầm thông ra các con sông quanh nhà, cho những người làm cách mạng lẩn trốn. Thế nhưng, sau con cháu đã lấp hết, nay không còn dấu tích.

Chúng tôi được gia chủ dẫn đi thăm từng ngăn của căn nhà, giới thiệu từng loại đồ vật. Thú thực, chỉ có tận thấy những gì có ở đây, người ta mới cảm nhận được độ giàu có một thời của dòng họ này như thế nào. Tuy nhiên, như một quy luật, huy hoàng rồi sẽ lụi tàn, năm 1952 ông hương sư Trần Văn Hoa mất, con ông là trần Văn Miên không theo nghiệp cha, con cháu không còn ai giàu có nữa.

 

Điểm tham quan nổi bật

Xem tất cả (4)
Nhà trăm cột
Nhà trăm cột Cần Đước, Long An
Ngã tư Rạch Kiến
Ngã tư Rạch Kiến Cần Đước, Long An
Đồn Rạch Cát
Đồn Rạch Cát Cần Đước, Long An

Xem thêm về Du Lịch Cần Đước

Xem Tổng Quan

Giới Thiệu Cần Đước

Cần Đước là huyện trọng điểm lúa gạo, giống lúa Nàng Thơm được nhiều nơi trong cả nước trồng. Nhưng thơm ngon nhất là Nàng Thơm Chợ Đào (xã Mỹ Lệ). Cơm gạo Nàng thơm ăn với cá bống kèo kho tộ là đặc sản địa phương
Cần Đước
 
 
 

Vì sao nên chọn chúng tôi

  • Hơn 8 Năm kinh nghiệm

  • Ưu đãi giá tốt cho khách hàng

  • Bồi hoàn nếu chất lượng không đúng

  • Tư vấn chuyên nghiệp, tận tâm

  • Phục vụ 10.000 khách/tháng

Công ty TNHH Dulich24 Việt Nam

Đ/c: Số 10C/196, đường Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.

Số ĐKKD: 0108370327

Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.

Lĩnh vực: Sàn TMĐT, Đại lý du lịch.

Bạn cần trợ giúp? hãy gọi ngay

(+84) 903 662 420

Lienhe@dulich24.com.vn

Từ 7h đến 21h hàng ngày

Đối tác TMĐT

Hợp tác Tour

Đối tác lữ hành có nhu cầu hợp tác bán Tour và Tour ghép đoàn, vui lòng liên hệ hợp tác với chúng tôi.

Dulich24 Việt Nam luôn cam kết với đối tác về chất lượng, tin cậy, và năng lực tốt nhất.

Hợp tác nhà cung cấp

Nhằm đa dạng sản phẩm du lịch phụ vụ cho khách hàng, Dulich24 Việt Nam liên tục tìm kiếm các đối tác cung cấp dịch vụ.

Đối tác chỗ nghỉ, nhà hàng, vận tải, vé tham quan vui lòng liên hệ gửi báo giá để hợp tác.

Liên hệ hợp tác

Hotline/Zalo (+84) 903 662 420

Lienhe@dulich24.com.vn

Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.