Nhân dân xóm Lũng Luông nói riêng, xã Quang Long nói chung cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, rất mực trung thành với quê hương, bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ và lực lượng vũ trang cách mạng. Do đó, Keng Nhan (đèo Nhan) cửa ngõ vào Lũng Luông thành “cửa tử” đối với thực dân Pháp xâm lược. Địa danh Lũng Luông là một trong những nơi của huyện để lại nhiều dấu ấn lịch sử trong quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc huyện Hạ Lang.
Sau khi chiếm xong Thị Xã và các huyện, thực dân Pháp tiến đánh chiếm châu Hạ Lang. Căm thù bọn thực dân Pháp, không cam chịu làm nô lệ, dưới sự chỉ huy của Mã Quốc Anh tập hợp nhân dân trong vùng bằng các vũ khí thô sơ như: súng kíp, súng hoả mai, cung nỏ, bấy đá... dựa vào thế hiểm trở của núi rừng lập căn cứ địa Lũng Luông để chủ động đánh địch, tập kích, gây nhiều khó khăn cho quân Pháp và bọn tay sai ở địa phương. Quân Pháp với vũ khí trang bị đầy đủ nhiều lần tấn công vào căn cứ địa Lũng Luông, nhưng chúng không qua khỏi “cửa tử” Keng Nhan vì nghĩa quân Mã Quốc Anh tổ chức phòng thủ chắc chắn làm cho chúng thất bại. Cuối cùng buộc thực dân Pháp đề nghị đàm phán với Mã Quốc Anh. Cuộc kháng Pháp của nghĩa quân Mã Quốc Anh không cân sức kéo dài 5 năm mới thất bại. Nhưng tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống Pháp xâm lược của nghĩa quân Mã Quốc Anh gắn với căn cứ địa Lũng Luông vẫn mãi mãi sáng ngời và là niềm tự hào của nhân dân Hạ Lang trên con đường đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc. Bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945, Lũng Luông lại được vinh dự lớn là nơi thành lập đại đội Giải phóng quân đầu tiên của châu Hạ Lang gồm 130 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Thạch Long làm Đại đội trưởng và đồng chí Phúc Bình làm Đại đội phó trên cơ sở trung đội vũ trang gồm 46 hội viên do Phúc Bình thành lập tháng 4/1945 ở Bằng Ca chuyển về căn cứ Lũng Luông để khống chế, đánh phỉ Lương Sơn Thành.
Được các đơn vị lực lượng vũ trang huyện bạn chi viện phối hợp, quân dân huyện nhà đã đánh tan, đuổi phỉ Rắn Sình ra khỏi lãnh thổ tạo thuận lợi đến cuối tháng 10/1945, UBND lâm thời châu Hạ Lang được thành lập và tuyên bố xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến. Đồng thời bước vào thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Để lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc đến thắng lợi. Đại hội huyện Đảng bộ lần đầu tiên được triệu tập vào năm 1949 tại Bó Mực- Lũng Luông, đại diện cho 247 đảng viên với 14 chi bộ toàn huyện, đồng chí Quốc Việt được bầu làm Bí thư Huyện uỷ. Sau đại hội đã mở ra một cục diện mới cho huyện nhà. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, Lũng Luông – Quang Long một lần nữa lại được vinh dự đón các Cơ quan của huyện sơ tán đến làm việc một cách an toàn. Cũng tại nơi đây – An toàn khu Lũng Luông lại chứng kiến hàng nghìn các thế hệ trẻ tòng quân lần lượt xuất phát từ đây ra tiền tuyến chống Pháp, chống Mĩ cứu nước giải phóng miền nam thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Ở hậu phương, Lũng Luông – Quang Long thi đua với tiền tuyến có phong trào HTX, phong trào làm thuỷ lợi giỏi toàn huyện.
Thời bình trong lao động sản xuất, xã Quang Long có Anh hùng lao động Hoàng Thị Miên “Hiến dâng cả tuổi xuân cho cung đường”. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, tin tưởng rằng: Lũng Luông – Quang Long sẽ tô đẹp “Căn cứ địa cách mạng” giàu về kinh tế văn hoá - xã hội như giàu lòng yêu nước trước đây.
Một lớp học
Lễ hội Pháo hoa huyện Quảng Uyên là một nét văn hoá đặc sắc từ xưa đến nay ở Cao Bằng gắn liền với sự linh thiêng của miếu Bách Linh.
Miếu Bách Linh nằm ở phía bắc thị trấn Quảng Uyên, dưới chân núi Cốc Bó, cách thị trấn khoảng 100m. Miếu Bách Linh thờ 100 điều linh thiêng, đứng đầu là con rồng, một trong tứ linh “Long, Ly, Quy, Phượng”. Không ai còn nhớ rõ miếu được xây dựng năm nào, qua nghiên cứu và khảo sát thực tại miếu có hiện trạng ban đầu bằng gỗ, đến năm Khải Định thứ sáu (1912) miếu được tu sửa và xây dựng hoàn toàn bằng gạch, do tri châu Quảng Uyên người Thái Bình đứng ra xây dựng và thợ dưới xuôi lên xây nên kiến trúc có dáng dấp như một ngôi chùa ở dưới xuôi gồm: tam quan, sân, tiền đường và hậu cung, nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là “Chùa Bách Linh”. Hiện tại ở phiến đá phía nam cách miếu 5m còn có bài thơ được khắc vào đó bằng chữ Quốc ngữ, có nội dung là:
"Khải định lục niên xuân,
Kia đền tân tạo bảo lương toàn,
Thờ cách linh thần ở thế gian.
Đá tạc tây nam trung quốc khách,
Giăng soi phúc lộc ngũ hành sơn.
Trong ba bệ ngọc ba hương án,
Ngoài một sân hoa một cửa quan.
Thấy cảnh hỏi ai tô cảnh ấy,
Quan Hà lương Tín ở Tràng An."
Miếu Bách Linh còn gắn liền với lễ hội Pháo hoa - một lễ hội lớn của tỉnh. Hội được tổ chức vào ngày mùng 1-2 tháng 2 âm lịch hàng năm, tạo cho mọi người dân tâm trạng phấn chấn, tin tưởng bước vào một vụ mùa sản xuất mới, hứa hẹn nhiều điều tốt lành. Ngày 2/12/2003, miếu Bách Linh được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.
Miếu Bách Linh
Lễ hội Pháo hoa gồm 2 phần: phần lễ thực hiện từ chiều 30 tháng giêng. Trước tiên là công việc dọn dẹp miếu phải do những cụ cao tuổi thực hiện. Sau đó làm lễ khai quan cho rồng. Rồng với tư cách là chúa tể các vùng sông nước. Nhưng khi rồng bay lên được gắn với việc sinh ra sấm và mưa là biểu hiện hoạt động của bầu trời. Nó là biểu hiện của các cơn mưa thần thánh làm tươi tốt đất đai. Hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, rồng được khai quan từ một mỏ nước (dân địa phương gọi là Bó Cốc Chủ - mỏ nước ở gốc cây cổ thụ). Lễ khai quan: chọn một cụ cao tuổi, có uy tín, nhiều con cháu làm chủ lễ và một đội Rồng bao gồm 25 người, 3 người đánh trống, 1 người cầm quả vầu và 11 người múa rồng làm lễ tại mỏ nước. (Khi đi ra mỏ nước rồng không được múa, không được đánh trống, mắt rồng được bịt bằng giấy bản, đến mỏ nước rồng nằm phục ở đó). Người chủ lễ thắp hương vái thiên địa, cầu xin thần linh phù hộ cho mọi người dân trong huyện, một năm ăn nên làm ra, đời sống ấm no, hạnh phúc và xin được mở mắt cho rồng. Lễ xong, chủ lễ cắt tiết con gà trống, lấy tiết xoa vào hai mắt rồng, rồi bỏ giấy ở mắt rồng ra. Lúc này rồng đã được mở mắt, sau 3 hồi trống nổi lên để đánh thức rồng - rồng bắt đầu cử động từ đầu đến thân rồi đến đuôi. Sau đó đốt pháo, trống thúc giục và rồng bay lên. Bay quanh mỏ nước 3 lần rồi rồng đi vào “miếu Bách Linh”. (Trong miếu đã được đặt lễ và thắp hương). Rồng vào miếu vái 3 lần, đi vòng miếu một vòng rồi đi ra ngoài. Lễ rước thần (thực hiện vào ngày hội chính tức ngày 2/2 âm lịch): gồm có 4 đoàn rước kiệu, trước đây chỉ có 3 kiệu, sau này có thêm kiệu rước ảnh Bác, mỗi kiệu 4 người khiêng, mặc đồng phục. Đi đầu là kiệu rước ảnh Bác. Thứ 2 là kiệu rước thần (đây là thần đại phương) trên kiệu có 1 bát hương to. Thứ 3 là kiệu pháo hoa, trước đây kiệu này được xếp rất nhiều pháo to, nhỏ khác nhau, trong đó có đầu pháo. Mấy năm gần đây khi có chỉ thị cấm đốt pháo, bàn này chỉ có một lọ hoa to nhiều màu sắc. Cuối cùng là kiệu rước một con lợn quay, đây là phần thưởng của đội thắng cuộc trong trò chơi - cướp đầu pháo. Bốn kiệu lễ này đi trước, đoàn rước rồng theo sau.
Rước rồng
Lễ rước thần được xuất phát từ miếu Bách Linh. Sau khi làm thủ tục thắp hương tại miếu, đoàn rước bắt đầu đến đền thờ Nùng Trí Cao, đền thờ Trần Hưng Đạo, sau đó đi khắp phố đến từng gia đình. Trước đây rồng đến cơ quan, nhà dân đều được đốt pháo đón mừng, coi như lộc đến nhà, mấy năm nay không được đốt pháo nữa rồng vẫn được thắp hương chào đón và được mời rượu (xem như việc thần linh đi kiểm tra, quan sát xem dân làm ăn như thế nào và đem lộc đến cho họ nên rồng được tiếp đón rất nồng nhiệt).
Lễ hội miếu Bách Linh
Chiều ngày 2/2, phần hội được tổ chức tại sân vận động trung tâm huyện. Tại đây diễn ra nhiều trò chơi dân gian: múa rồng, múa kỳ lân, tung còn, hát lượn, chơi đu và nhiều hình thức thể thao: đá bóng, cờ tướng, võ dân tộc... Một phần không thể thiếu là trò chơi cướp đầu pháo - một trò chơi tiêu biểu trong ngày hội. Đầu pháo là một chiếc vòng sắt được trang điểm bằng tua ngũ sắc rực rỡ. Quả pháo được quấn chiếc vòng này là quả pháo cỡ lớn. Vào hội, pháo được đặt trên một chiếc đài cao. Tranh đầu pháo chính là cướp chiếc vòng ở quả pháo lớn; có nhiều đội ở các xã tham gia trò chơi này. Sau khi đốt pháo, chờ cho đầu pháo rơi xuống, các lực sỹ của đội bắt đầu tranh cướp, người cầm được đầu pháo bằng mọi cách mang được đến Ban tổ chức, coi như đội đó thắng cuộc. Những năm gần đây, khi có chỉ thị cấm đốt pháo Ban tổ chức lễ hội đã tiến hành trò chơi này bằng cách đứng trên cao rồi tung vòng sắt ra cho các đội vào tranh cướp đầu pháo như thường lệ. Mọi người quan niệm rằng, trong ngày hội này ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ may mắn, phát tài, phát lộc và đem lại nhiều vinh dự lớn cho địa phương mình. Xã nào thắng cuộc sẽ được phần thưởng là 1 con lợn quay trên kiệu trong lễ rước thần. Phần thưởng đó sẽ được đoàn rước đưa về tận nơi và kiệu đó cũng đã để lại cho địa phương một năm hương khói cầu lộc. Đến năm sau, địa phương đó lại chuẩn bị một con lợn quay trên kiệu để đoàn rước rồng đến lấy làm phần thưởng cho đội nào thắng cuộc trong năm đó.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.