Từ trung tâm thành phố Hà Nội, theo quốc lộ 32 khoảng 20km về phía tây, du khách sẽ tới làng nghề Lai Xá.
Ngôi làng này có 5 xóm nhỏ và một con phố mang tên Phố Lai. Với chiều dài chưa đầy 1km, Phố Lai là con phố tập trung nhiều hiệu ảnh nhất làng (6 hiệu ảnh và 1 lab). Theo thống kê, số lao động trong thôn làm nghề chụp ảnh chiếm tới 40%.
Theo sử sách ghi lại, trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865), cụ Đặng Huy Trứ (quê làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh quốc đưa sang, đang được nhiều người ưa chuộng. Do rất thích thú với kỹ thuật nhiếp ảnh này, trong lần đi sứ tiếp theo (1867), cụ đã thuê một người Hoa mua sắm giúp dụng cụ, máy móc để học nhiếp ảnh.
Về nước năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Tuy nhiên, do chiến tranh, hiệu ảnh đã phải đóng cửa.
Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của người chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da (Hà Nội).
Trong khi hành nghề ảnh, cụ Khánh còn tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Do phong trào này bị lộ, năm 1911, cụ Khánh đã trốn sang Pháp. Năm 1912, cụ mở hiệu ảnh ở Toulouse. Năm 1913, Raymond Poincaré đã đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống lúc đăng quang có Khánh Ký và bức ảnh của ông đã được đánh giá là bức ảnh đẹp nhất và được đưa lên trang bìa một số báo, trong đó có bìa của tờ Illustration. Sau thành công đó, một cửa hiệu Khánh Ký khác được mở tại Paris.
Như vậy, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam, còn cụ Khánh là người phát triển nghề này. Với công lao chuyển một nghề ngoại nhập thành nghề truyền thống, cụ Khánh không những được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề mà còn là một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, bao gồm: Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định.
Kế tục sự nghiệp của các bậc tiền bối, người dân Lai Xá hàng ngày vẫn bảo tồn và phát triển nghề. Từ giữa năm 2002, Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh với mục đích trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh, đồng thời bảo tồn và phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh của làng.
Từ khi thành lập đến nay, các thành viên của Câu lạc bộ đã có hàng ngàn bức ảnh đẹp, trong đó có trên 10 bức ảnh đặc sắc của các tác giả: Nguyễn Đình Căn, Nguyễn Minh Nhật... Với tài phát hiện sự vật, thiên nhiên, con người và cách thể hiện tinh tế bằng nghệ thuật nhiếp ảnh, các bức ảnh này đã được trao giải cao trong cuộc thi ảnh chào mừng Seagames 22 được tổ chức tại Việt Nam, triển lãm ảnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và triển lãm ảnh “ Nhịp sống đất và người Hà Tây"... Không những thế, hàng năm Câu lạc bộ còn mở các lớp dạy chụp ảnh, nhất là chụp ảnh nghệ thuật; tổ chức các đợt đi giao lưu sáng tác tại nhiều danh lam thắng cảnh trong cả nước.
Tháng 2/2008, làng Lai Xá đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh mang tên: "Từ làng đến phố - Ảnh ký của người Lai Xá" tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Đây là cách kể chuyện rất riêng của dân làng Lai Xá vì muốn cho công chúng biết rằng, người Lai Xá đã biết gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp thu những cái mới để tiếp tục phát triển nghề này như thế nào.
Năm 2010, nhân dịp thành phố Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, 118 năm người Lai Xá hành nghề nhiếp ảnh (tính từ thời điểm cụ Nguyễn Đình Khánh), Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh sẽ tổ chức một triển lãm ảnh với trên 100 bức ảnh giới thiệu về đất và người Hà Nội.
Ngày 9/7/2003, UBND tỉnh Hà Tây ra quyết định công nhận danh hiệu “làng nghề nhiếp ảnh truyền thống” cho thôn Lai Xá- làng nghề có lẽ là độc nhất vô nhị trong cả nước. Vậy là sau hơn một thế kỷ hình thành, Lai Xá giờ đã chính thức ghi tên mình vào lịch sử làng nghề Việt Nam.
Hàng năm, cứ đến ngày 15/2 âm lịch, người dân Lai Xá lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và suy tôn ông tổ làng nghề Nguyễn Đình Khánh.
Một làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như Lai Xá trong dòng xoáy của công nghệ tiên tiến và thị trường cạnh tranh, vẫn tồn tại và phát triển là một điều phi thường. Những người am hiểu nghề ảnh cũng phải khâm phục dân Lai Xá có nhiều bí quyết để truyền lại cho con cháu giữ nghề, theo nghề đến trọn đời. Những kỹ thuật phóng ảnh đen trắng, chấm ảnh thật mịn, sửa phim, tô màu đạt đến trình độ thượng thừa mà ngay cả công nghệ hiện đại cũng không thể nào thay thế được. Ông Phạm Thành, một nghệ nhân Lai Xá cao niên có hiệu ảnh tại đường Trường Chinh, tính đến nay đã có hơn 60 năm tuổi nghề. Bố của ông học nghề trực tiếp từ cụ Khánh Ký, đi làm ảnh từ năm 1950 đã có lương trị giá ngót nghét 1 lượng vàng lúc bấy giờ. Giờ đây, ông Thành cùng với một số nghệ nhân cao niên khác nhận giảng dạy cho một khóa nhiếp ảnh của huyện.
Các học viên tốt nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động trong CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh. Đó cũng là một cách truyền nghề hiệu quả nhất.Ông Lương Khánh Học - Chủ nhiệm CLB - cũng là một “phó nháy” kỳ cựu. Trong tâm thức của ông còn ghi dấu những năm tháng đầu tiên theo nghề. Lúc đó, in phim bằng đèn dầu, bụi than bám nhem nhuốc, có khi còn bị nước ảnh đổ vào người. Nhưng cũng từ sự gian khó, cơ cực đó mà Lai Xá đã sản sinh ra nhiều nhiếp ảnh gia, trong đó nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng nổi danh với bộ ảnh “Bác Hồ và quân đội”. Đó là những bức ảnh vô giá, được tác giả ghi lại trong thời điểm Bác sắp đi xa. Hẳn chưa ai trong chúng ta quên được cảm giác xúc động dâng trào khi được chiêm ngưỡng những bức ảnh “Bác Hồ với 3 nữ dân quân Quảng Bình - Vĩnh Linh”, “Bác Hồ với các cháu thiên niên dũng sỹ diệt Mỹ” (1968), Bác Hồ thăm đơn vị không quân nhân dân Việt Nam (1967)...
Hơn một thế kỷ đã trôi qua, thời gian không phải là quá dài đối với lịch sử một làng nghề truyền thống. Nhưng đó lại là thước đo giá trị với một làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện đại như Lai Xá trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay. Quá khứ, hiện tại và tương lai đang song hành trên quê hương nhiếp ảnh Lai Xá.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.