ĐÈO VĂN LONG - MỘT GIAI THOẠI LỊCH SỬ |
|
Trong lịch sử hình thành 100 năm của hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, hơn nửa thế kỷ vùng đất này nằm dưới quyền cai trị của cha con họ Đèo. Hiện nay, tại xã Lê Lợi (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), còn đó khu di tích ghi dấu thời thống khổ của nhân dân vùng ngã ba sông Đà nói riêng, nhân dân hai tỉnh Điện Biên - Lai Châu nói chung... |
|
Số là sau khi chiếm được Lai Châu, thực dân Pháp dựng lên một bộ máy quan lại người bản xứ. Cha con chúa Thái Đèo Văn Long chia nhau cai quản các châu lỵ. Dựa vào sự bảo trợ tinh thần cũng như sức mạnh quân sự của Pháp, Đèo Văn Long thả tay đàn áp và bóc lột thậm tệ dân ta. Trên dãy Pú Pom Xen (cạnh tỉnh lộ 127 Lai Hà - Mường Tè), khu đài tạ họ Đèo được khởi công xây dựng vào năm 1896, bằng mồ hôi và nước mắt của đồng bào các dân tộc Điện Biên - Lai Châu. Đây là nơi ăn chơi truỵ lạc của bọn thống trị, là nơi giam cầm, tra tấn dã man những người yêu nước. Nhân dân vùng ngã ba sông Đà - nhất là nhân dân bản Chang và bản Chợ (xã Sìn Hồ) - bị bắt làm cuông nhốc, phục dịch cho gia đình Đèo Văn Long. Đèo Văn Long dân tộc Táy khao (Thái trắng), dòng dõi bang tá, là con trai thứ hai của Đèo Văn Trì, cháu nội của Đèo Văn Sinh (còn gọi Đèo Văn Seng); quê bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Về gốc gác của Đèo Văn Sinh, y vốn mang họ Cầm và là con của Cầm Văn An, một nhà buôn có thế lực ở Quảng Đông - Trung Quốc. Do thất thế nên An đem vợ con trốn sang Việt Nam, nương náu ở Lai Châu rồi lấy con gái một tù trưởng họ Đèo trong vùng. Khi viên tù trưởng chết, cha con An - Sinh đã đoạt lấy chân tù trưởng. Từ năm 1869, Đèo Văn Sinh (tức Cầm Văn Sinh) giành được quyền cai quản vùng Sipsong Chuthai (mười hai xứ Thái) - vùng lãnh địa từ bờ tây sông Đà sang một phần đất tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đèo Văn Trì lúc mới 16 tuổi đã tham gia trận mạc, từng theo cha đi đánh dẹp những cuộc xâm lấn đất đai bởi người Shan (một dân tộc thiểu số vùng Vân Nam). Để thưởng công, triều đình Huế phong cho cha con Sinh - Trì chức quan đạo, nắm trong tay mọi quyền sinh quyền sát trên địa bàn 3 tỉnh: Phong Thổ, Lai Châu và Sơn La.
Tháng 7/1885, Tôn Thất Thuyết chỉ huy lực lượng nổi dậy đánh úp quân Pháp tại Huế, nhưng thất bại. Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phải trốn sang Cam Bốt và ra Hịch Cần Vương kêu gọi dân chúng vùng lên. Để hưởng ứng, Đèo Văn Trì được cha uỷ thác, đã đứng ra chiêu mộ và lãnh đạo các sắc tộc thiểu số nổi dậy chống Pháp, đặt căn cứ ở Bình Lư (vùng đất đang tranh chấp giữa Đèo Văn Trì và Nguyễn Văn Quang), một vị trí chiến lược quan trọng án ngữ trên đường Lào Cai - Lai Châu. Trong khi Đèo Văn Trì liên kết với Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Quang Bích để chống Pháp, thì Nguyễn Văn Quang lại câu kết chặt chẽ với Pháp.
Tháng 4/1886, một toán quân Pháp do trung uý Aymerich chỉ huy tấn công vào Than Uyên, quân khởi nghĩa rút về cứ địa Bình Lư. Tới tháng 11/1886, khoảng 500 quân Pháp do quan ba Olivier và Nguyễn Văn Quang chỉ huy đánh vào Bình Lư, nghĩa quân phải rút về Mường So. Quân Pháp tuy giành chiến thắng chung cuộc, nhưng thiệt hại nặng rất nặng nề, trung úy Aymerich tử trận. Tháng 1/1887, thiếu tá Pelletier chỉ huy một cánh quân đánh vào Mường So, quân khởi nghĩa rút về Sa Pa. Tháng 2/1887, quân Pháp truy kích đến Sa Pa, nghĩa quân rút về Lai Châu rồi từ đó hoạt động chống Pháp ở địa bàn Lai Châu và Sơn La. Trên đường mang quân bản bộ truy sát Đèo Văn Trì, thiếu tá Pelletier đánh chiếm Phong Thổ và dùng nơi đây làm căn cứ hành quân khống chế vùng Bảo Hà - Bình Lư. Tháng 3/1887, quân Pháp chiếm huyện Bát Xát và ngay lập tức xây đồn Bát Xát (xin lưu ý là toàn bộ hệ thống đường xá trong vùng ngày ấy, không giống như ta hình dung bây giờ). Do bị truy quét gắt gao, thêm vào đó là mâu thuẫn với Tôn Thất Thuyết (vì Tôn Thất Thuyết định mưu sát ông để giữ bí mật trên đường trốn sang Trung Quốc), nên họ tộc Đèo Văn Trì khuyên y đầu hàng người Pháp. Được môi giới bởi Auguste Pavie, đầu tháng 1/1888, Đèo Văn Trì chấp thuận đầu hàng và mở đường cho binh đoàn Pécnô tiến vào vùng Mường Thanh. Sự kiện này đánh dấu cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Pháp vào thung lũng Điện Biên (ngày 23/1/1888). Để bảo đảm cho sự trung thành lâu dài của Đèo Văn Trì, người Pháp khôi phục cho Trì quyền cai trị cha truyền con nối tại vùng đất Sipsong Chuthai bên bờ sông Đà, không những thế còn nâng y lên địa vị chúa Thái. Trên thực tế, động thái này đồng nghĩa với âm mưu của người Pháp, để xứ Thái được quyền tự trị hạn chế trong một Đông Dương thuộc Pháp. Năm 1908 Đèo Văn Trì qua đời, cơ nghiệp được giao cho con cả là Đèo Văn Kháng.
Gần 20 năm sau (có tài liệu nói năm 1927) Kháng ốm chết, em trai là Đèo Văn Long thay anh nắm quyền chúa xứ (châu phen đin) kiêm Tỉnh trưởng Lai Châu. Ba con trai của Long, gồm: Đèo Văn Tài (Tri châu Mường Lay), Đèo Văn Phát (Tư lệnh nguỵ quân xứ Thái) và Đèo Văn Ún (Tri châu Điện Biên, đóng bản doanh trên đồi C2, thuộc quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ hiện giờ)... Ngày 05/12/1953 ta bắt đầu chiến dịch giải phóng Lai Châu, mở đầu cho cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954. Chưa đầy một tuần sau, ngày 10/12/1953, đại đoàn 316 với vai trò lực lượng chủ công, được lệnh đánh thẳng vào thị trấn Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay); nơi có bản doanh của Đạo Quan binh thứ t¬ư, đóng trên Đồi Cao. Trong cuộc rút chạy nhục nhã, thực dân Pháp mang theo Đèo Văn Long về Hà Nội với ý đồ sau này sẽ đưa Long trở lại. Không ngờ kể từ đây, vĩnh viễn y trở thành tên lãnh chúa trọn kiếp lưu vong...
Giặc tan, đó là lúc đồng bào Thái nơi ngã ba sông Đà tự kết thúc những năm tháng "phi nông nghiệp" một cách bất đắc dĩ, để đến nay, thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ gắn bó với công việc nông tang. Cạnh di tích Đèo Văn Long hiện giờ, là nơi đóng trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Lê Lợi và Trường Trung học cơ sở Nậm Na. Thời kỳ 1964 - 1965, dinh thự này là địa điểm "trú chân" của Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh). Hội trường cũ của dinh được sửa sang làm giảng đường và trú xá cho hơn 100 học viên. Cuối năm 1965, do không quân Mỹ bắn phá ác liệt, Trường Đảng tỉnh sơ tán về xã Pa Ham (huyện Mường Lay cũ). Năm 1980, cùng với nhà ngục Đồi Cao, dinh Đèo Văn Long được UBND tỉnh Lai Châu ra quyết định xếp hạng di tích căm thù cấp tỉnh. Ngày 24/9/2002, bằng Quyết định số 58/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Lai Châu (cũ), một lần nữa di tích này được đưa vào danh sách: "Quy chế Bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Lai Châu". Chỉ tiếc là từ trước đấy nhiều chục năm, nhà ngục Đồi Cao đã bị phá gần như bằng địa; còn di tích Đèo Văn Long hiện chỉ là một đống hoang phế, tàn tạ, cỏ dại um tùm, không một bức tường nào còn giữ được nguyên vẹn. Bức tường phía trước sân trường Nậm Na bị đập một lỗ toang hoác, làm chỗ đổ rác của học sinh. Quả là một sáng kiến "chuyển đổi mục đích sử dụng" cấp... xã phường!
Được biết cách đây hơn 3 năm, UBND tỉnh Lai Châu đã có chủ trương phục chế dinh thự Đèo Văn Long, song vẫn còn gặp không ít khó khăn và phức tạp về nhiều mặt. Nhân chứng hiểu biết về dinh thự còn lại quá ít và thậm chí, có người tỏ ra rụt rè không sẵn sàng hợp tác với cơ quan chuyên môn(?). Mới đây, có tin Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch Lai Châu sau nhiều nỗ lực, đã liên hệ được với một số hậu duệ của Đèo Văn Long đang định cư¬ tại Pháp. Qua đó, cơ quan này đã nhận được một số hình ảnh và thông tin liên quan đến thân thế Đèo Văn Long và dinh thự họ Đèo. Tháng 4/2009 dự án phục chế dinh thự Đèo Văn Long sẽ kết thúc giai đoạn I, bao gồm khâu khảo sát và thu thập chứng cứ, hiện vật. Tuy nhiên, tại thời điểm này mà nói mọi cái còn đang ở phía trước, mêng mông như vô tận thời gian và cheo leo như ghềnh thác sông Đà vật vã chảy qua nghìn năm hoang dã... |
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.