“Kỳ quan thiên nhiên” - nếu hiểu theo nghĩa rộng nghe như là một hiện tượng gì to lớn trong thiên nhiên và có giá trị tầm cỡ thế giới, bởi vì ta thường chỉ biết đến từ ngữ “kỳ quan” qua khái niệm “những kỳ quan thế giới” hoặc “kỳ quan thiên nhiên thế giới”… Nhưng trong bài viết này, tác giả chỉ muốn miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú ở bán đảo Hòn Gốm trong vịnh Vân Phong (thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), một vùng cảnh quan tuyệt đẹp ẩn chứa vô vàn hình tượng kỳ lạ do bàn tay của tạo hóa sinh ra.
Để đến được nơi đây, du khách phải theo ngã rẽ về hướng Đông Nam của tuyến đường cao tốc đoạn nối từ quốc lộ 1A phía Nam đèo Cổ Mã thuộc phía Bắc xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (giáp phía Nam xã Đại Lãnh) ra bán đảo Hòn Gốm xã Vạn Thạnh. Tại khu vực trung tâm xã có những bến tàu đưa du khách tham quan vịnh Vân Phong.
Tàu rời bến từ từ đưa ta ra hướng cửa vịnh, men theo bờ Nam bán đảo Hòn Gốm. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ta thật ấn tượng là một cụm đá nổi trên mặt biển xanh ngát, mênh mông, trông như một hòn non bộ khổng lồ giữa biển khơi. Trong toàn bộ cụm đá ấy, có hai khối đá cao lớn nhất (khoảng trên chục mét) dáng đứng sừng sững, nghiêng nghiêng, trông chẳng khác nào Hòn Phụ Tử ở Hà Tiên.
Hòn phu tử
Tiếp tục di chuyển một đoạn nữa, trên mặt biển đột ngột nổi lên một khối đá đơn độc. Ngay bên trên khối đá ấy, tạo hóa đã tạc nên hình tượng của một con vật vừa trông giống con cò trắng bằng đá, đầy đủ cả thân mình, đầu cổ vươn cao, vừa trông giống con vật bò sát kỳ lạ. Mới thoạt nhìn, ai cũng nghĩ rằng có thể do bàn tay con người điêu khắc nên. Người dân nơi đây đặt cho cái tên đượm sắc tâm linh: “Con Nghê” (là linh vật ta thường thấy trên các mái đình làng).
Trên đường đi ra cửa vịnh, lác đác có những khối đá nổi lên trên triền núi xanh ngát cây rừng. Chăm chú lắm ta mới có thể nhìn thấy nơi hướng cao dần về đỉnh có một khối đá dựng trên triền núi như bức tượng bán thân của người thiếu nữ, tóc xõa dài bay trong gió. Sẽ có nhiều ngôn từ đặt tên cho tượng đá này tùy theo cảm nhận của mỗi người, riêng tác giả muốn đặt tên tượng là “ Dáng tóc mây”.
Đầu người phụ nữ
Gần cuối bán đảo Hòn Gốm có nhiều gành đá nhô ra biển thật ấn tượng. Ấn tượng nhất là một mũi đá mang hình tượng "con cá sấu khổng lồ" đang lặng lẽ ngâm mình trong nước, dáng vẻ như đang rình rập, chờ đợi con mồi.
Cá sấu
Khi tàu đưa ta đến cuối Mũi Gành rồi vòng lên phía Bắc bán đảo Hòn Gốm (lúc này ra khỏi cửa vịnh Vân Phong, giáp biển Đông), trên một đỉnh núi cao phía Tây xuất hiện sừng sững hai khối đá khổng lồ mang hình "con cóc" đang nhô đầu vươn lên trên đỉnh núi, ngạc nhiên ngóng nhìn đoàn người xa lạ xâm nhập vào vương quốc của riêng mình và khi tàu di chuyển đến một góc nhìn thích hợp thì đôi con cóc ấy dường như đang âu yếm bên nhau không rời.
Tàu đi thêm một đoạn nữa du khách sẽ thấy xuất hiện một khối đá hình chóp có đủ những góc cạnh, cho ta cảm tưởng như đang đứng trước các "Kim Tự Tháp" cổ ở Ai Cập.
Kim tự tháp
Tiếp tục đi lên hướng Đông Bắc, trên mặt biển xuất hiện một cụm đá màu xám đen như một hòn non bộ khổng lồ. Những khối đá ấy nhô cao lên trên mặt biển tưởng chừng như những cánh buồm khổng lồ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh "Nhà hát Con Sò" (The Opera House) ở thành phố Sydney nước Úc (một kỳ quan thế giới về kiến trúc hiện đại). Dân gian quen gọi là “Mũi Cột Buồm”.
Nhà hát Con Sò
Đến điểm cực Đông bán đảo Hòn Gốm cách Mũi Đôi khoảng chừng 600m, ta thấy một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa biển khơi có tên gọi “Hòn Đầu” (hoặc Hòn Đôi). Đây là thắng cảnh cấp quốc gia Mũi Đôi - Hòn Đầu đã được Bộ VH-TT xếp hạng vào năm 2005, là nơi đất liền Việt Nam vươn ra xa nhất về phía Đông để đón ánh bình minh đầu tiên, nằm ở toạ độ 1090 27’ 654 kinh độ Đông, 120 39’ 447 vĩ độ Bắc.
Chỉ hòn đảo nhỏ này thôi, cho ta nhiều kỳ quan thiên nhiên cực kỳ lý thú, có một không hai:
Ngay từ lúc ta vượt Mũi Gành để đi lên phía Bắc bán đảo Hòn Gốm, khi bắt đầu xuất hiện đảo Hòn Đầu từ xa xa, mặc dù trong tầm nhìn chưa rõ, ta đã trông thấy phía Đông của đảo có hình tượng một thiếu nữ tóc cắt ngắn (kiểu tóc búp bê) với tư thế đang ngồi bó gối, gương mặt dường như u buồn, đầy lo âu đang chăm chú nhìn ra biển Đông, chẳng khác nào hình ảnh người vợ trẻ đang mong chờ chồng trở về từ nơi khơi xa mà hình tượng này đôi lúc ta cũng gặp ở những người phụ nữ các làng chài ven biển (nhất là trong những ngày biển động). Ta có thể đặt tên cho hình tượng ấy là “Hòn Vọng phu biển Đông” cũng đúng vậy!.
Khi tầm nhìn đảo rõ hơn, ta thấy có khối đá khá lớn nhô cao trên đỉnh đảo mang hình tượng một “con hải cẩu” đang ngẩng cao đầu nhìn ngóng mọi người. Nếu đi chếch về phía Đông của đảo, khối đá này biến thành hình “con lạc đà”. Hình tượng rất rõ, không cần phải tư duy, tưởng tượng gì nhiều.
Con lạc đà
Khi tàu đi vòng về phía Đông của đảo, đột ngột xuất hiện một khối đá khổng lồ cao khoảng bằng tòa nhà hai tầng và khi di chuyển từ từ quanh khối đá, ta sẽ cảm nhận được hình ảnh những tượng khác nhau về người và vật trên khối đá khổng lồ tự nhiên này.
ông võ quan thời phong kiến
Đầu tiên, khối đá có hình đầu một vị "võ quan” của triều đình phong kiến đang đội mũ cánh chuồn; đến gần hơn có màu sắc vằn vện đầy ấn tượng trông như “mụ phù thủy”; đến chính diện trông giống như “chú chó” hoặc “người vượn” khổng lồ đang cõng con trên lưng; đi chếch lên hướng Đông Bắc, khối đá trông giống như gương mặt một “người mẹ hiền” (nếu nhìn đường nét bên ngoài, tiếp giáp chân không); nếu nhìn toàn bề mặt khối đá thì trông giống như tượng một “vị võ quan” đang chắp tay sau lưng đứng nghiêm nghị trước các môn sinh; nếu nhìn xa xa từ hướng Bắc, khối đá biến thành tượng bán thân của một “nàng công chúa” kiều diễm, dịu hiền.
Chỉ tại đảo nhỏ này thôi, đã cho ta hình ảnh rất rõ của ba khối đá lớn mang những hình tượng đa dạng, phong phú, thật kỳ diệu. Toàn bộ những hình tượng thiên nhiên được mô tả nêu trên hoàn toàn hiện thực, làm cho người xem cảm nhận ngay ở mỗi góc nhìn, không cần phải tưởng tượng hóa nhiều. Chính điều đó cho ta thấy được điểm đặc trưng của những kỳ quan thiên nhiên ở đây thật là một vùng biển trời non nước bao la, hữu tình, đầy chất lãng mạng, giàu hình tượng văn hoá thiên nhiên mà khó có nơi nào có được.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện đi sâu vào nghiên cứu thì ta sẽ thấy được nhiều hình tượng tự nhiên khác nữa mà người dân đã đặt cho những cái tên rất ngỗ nghĩnh, mang đậm chất văn hoá dân gian và đúng thực tế như:
Mũi ông Nghê – bà Nghê có hình tượng con heo mang theo truyền thuyết: “bà Nghê vì giận chồng bỏ nhà ra đi, mang theo con heo…mãi mãi còn nằm trên biển”. Mũi Đá Thẻ cấu tạo bởi những phiến đá phẳng phiu vuông vắn như tấm thẻ bài. Mũi Đá Tàu trông như mũi một con tàu sừng sững nhô ra biển. Mũi Đá Nạng trông giống như một con cá nạng khổng lồ đang bơi lội. Mũi Hòn Tai trông giống như một đầu người có hai tai. Mũi Hòn Trào luôn luôn có sóng vỗ vào làm trào bọt biển trắng xoá trên mũi đá. Mũi Học Trò, trông giống như các cô cậu học trò đang ngồi học. Mũi Hòn Dù trông giống như chiếc dù che nắng. Mũi Hòn Vung trông giống như chiếc nắp vung của nồi đất…và còn nhiều nữa mà ta chưa có điều kiện khảo sát để phát hiện…
Đặc biệt, trên mặt biển xuất hiện hai cụm đảo đá nhô lên nằm chỉ cách nhau khoảng chừng trên 1000 mét mà cấu tạo màu sắc của đá hoàn toàn trái ngược nhau: một có màu đen tuyền gọi là Hòn Khô Đen và một có màu trắng gọi là Hòn Khô Trắng.
Chỉ một vùng đất nhỏ phía Nam bán đảo Hòn Gốm thuộc phía Bắc vịnh Vân Phong ấy thôi đã cho ta biết bao hình tượng kỳ lạ trong thiên nhiên như thế. Chúng ta có quyền tự hào và cảm ơn tạo hoá đã ban cho Khánh Hoà một vùng đất tuyệt vời “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.