(+84) 903 662 420

Di tích khảo cổ Gò Ô Chùa

xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng Di tích lịch sử được yêu thích tại Vĩnh Hưng, Long An
 
 

Di tích khảo cổ Gò Ô Chùa

Gò Ô Chùa tọa lạc tại xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng. Vào năm 1997, Bảo tàng Long An đã phối hợp với Bảo tàng lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc khai quật di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa. Qua khai quật thu thập được những hiện vật như xương răng động vật, các một còn dấu tích di cốt người, di cốt trẻ em, nhiều đồ gốm và các mảnh gốm, nhiều công cụ sắt, chuỗi hạt đá quý, lục lạc và vòng đồng, mãnh khuôn đúc và nồi rót kim loại; nhiều vỏ trấu và hạt lúa, v.v... Di tích khảo cổ học Gò Ô Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia vào ngày 19/1/2004
 

Giới thiệu Di tích khảo cổ Gò Ô Chùa

 
Di tích khảo cổ Gò Ô Chùa

Di tích khảo cổ Gò Ô Chùa

Di tích Gò Ô Chùa nằm trên địa phận ấp 2, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (thuộc vùng Đồng Tháp Mười) cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 2km theo đường chim bay. Đây là một gò đất rộng, theo người dân địa phương cho biết gò Ô Chùa không bao giờ bị ngập lụt, ngay cả vào mùa lũ lớn nhất. Đây thực sự là nơi cư trú lý tưởng cho cư dân mọi thời.

Di tích Gò Ô Chùa được cán bộ Bảo tàng tỉnh Long An và Trung tâm Khảo cổ học thuộc Viện Khoa Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh phát hiện từ năm 1988 lúc đó di tích có tên là Gò Chùa.

Nhằm tìm hiểu nguồn gốc và sự hình thành, phát hiện của văn hóa Óc Eo tại Long An, đồng thời bổ sung, chỉnh lý trưng bày trong bảo tàng và để góp phần trong việc nghiên cứu lịch sử, từ tháng 4 đến tháng 5 năm 1997, đoàn công tác của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) gồm có TS. Ngô Thế Phong và các cộng sự cùng Bảo tàng tỉnh Long An có TS. Bùi Phát Diệm, đã phối hợp khảo sát và khai quật tại Gò Ô Chùa.

​Hố khai quật tại di tích Gò Ô Chùa.
Hố khai quật tại di tích Gò Ô Chùa.

Sau khi khảo sát, đã quyết định mở 2 hố khai quật phía bắc và phía nam. Dựa vào hố khai quật cho thấy kết cấu tầng văn hóa của di tích này như sau:

Độ dày của tầng văn hóa không giống nhau dao động trong khoảng 2,50m, nhưng dựa vào kết cấu đất có thể chia thành 3 lớp chủ yếu:

Lớp 1: dày trung bình từ 0,80 – 1,00m, đất màu nâu sẫm, kết cấu rắn chắc, trong chứa nhiều hiện vật khảo cổ, đặc biệt là gốm ba chạc nhọn. Trong lớp này cũng phát hiện được nhiều mộ táng.

Lớp 2: dày từ trung bình 0,80 – 1,00m, là những vỉa đất mỏng màu đỏ, vàng hoặc xám, chứa ít hiện vật khảo cổ.

Lớp 3: dày trung bình từ 0,60 – 0,80, đất màu xám nhạt, lẫn nhiều cát và than tro, lớp này thấy rất nhiều mảnh gốm và răng xương động vật.

Nhìn chung, tầng văn hóa ở Gò Ô Chùa thể hiện được sự phát triển và cư trú liên tục trong thời gian tương đối lâu dài.

Mộ táng ở Gò Ô Chùa

Có 2 loại mộ là mộ vò và mộ huyệt đất còn có dấu tích xương người.

Mộ vò: phát hiện được 4 mộ nằm trong lớp 3 của tầng văn hóa, thuộc giai đoạn sớm và đều là mộ trẻ em và không chôn theo đồ tùy táng, xương cốt tìm thấy là trong những vò gốm đã bị vỡ, trên miệng vò úp một chậu nhỏ, dựa vào kích thước có thể giả định đây là mộ vò hung táng.

Mộ đất: phát hiện được 8 mộ trong lớp 1 của tầng văn hóa, các ngôi mộ này đều có đầu quay theo hướng đông nam, thi thể được đặt nằm ngửa, chân duỗi thẳng, tay gập trước ngực, mặt quay nghiêng sang trái, đồ tùy táng chủ yếu là đồ gốm với nhiều loại hình khác nhau như (công cụ sắt, dọi se chỉ…) cũng có mộ chôn theo mảnh khuôn đúc, vòng đồng. Có hiện tượng chôn song táng.

​huyệt đất tại di tích Gò Ô Chùa.
huyệt đất tại di tích Gò Ô Chùa.

Như vậy ở Gò Ô Chùa có 2 loại hình thức mai táng là mộ vò và mộ đất. Mộ vò sử dụng mai táng cho trẻ em, mộ huyệt đất mai táng cho người có kích thước lớn hơn (người lớn) được sắp xếp có trật tự theo một hướng nhất định.

Hiện vật của di tích Gò Ô Chùa

Vì di tích Gò Ô Chùa vừa là di chỉ cư trú và vừa là di chỉ mộ táng nên hiện vật thu được rất phong phú, thuộc các chất liệu khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là đồ gốm (chủ yếu là đồ gia dụng).

 Nồi đáy tròn- hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa.
 Nồi đáy tròn- hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa.

Gốm có độ nung cao, cứng, mặt gốm được phủ áo lấy từ đất sét trắng, sau miết láng, tô đỏ hoặc đen bóng mang sắc thái riêng biệt như: Nồi (nồi gốm hình cầu, nồi thân thấp) có trang trí văn thừng; chum nhỏ; bát; bình (bình đáy tròn, đáy lõm, có chân đế, bình vai xuôi); chậu thuôn lòng; mâm bồng; vung (nắp đạy); dọi se chỉ. Còn có rất nhiều mảnh gốm như: mảnh đất nung, mảnh cà ràng, mảnh gạch (sự xuất hiện mảnh gạch ở di tích Gò Ô Chùa là điều đáng lưu ý). Ngoài ra, còn có gốm chạc 3 chiếm số lượng khá lớn (chủ yếu là những mảnh chạc gốm, chỉ có 3 tiêu bản gần nguyên vẹn).

Gốm chạc 3- hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa.
Gốm chạc 3- hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa.

Bên cạnh đồ gốm, ở đây còn tìm thấy được nhiều hiện vật khác như là công cụ sắt (mũi nhọn sắt, thuổng sắt có họng tra cán); vòng đồng; hạt chuỗi làm từ đá quý và những mảnh khuôn đúc; những công cụ làm bằng xương; sừng và gạc hươu.

Di tích Gò Ô Chùa vừa mang tính chất nơi cư trú và vừa là nơi mai táng, diện tích phân bố rộng, nên dựa vào kết cấu tầng văn hóa, dựa vào những ngôi mộ và những hiện vật khai quật được thì đã các nhà Khảo cổ đã có những nhận định:

Đây là một trong số địa điểm hiếm hoi còn khá nguyên vẹn, quy mô phân bố rộng, địa tầng dày và được bảo tồn tốt. Di tích Gò Ô Chùa còn có mối quan hệ giao lưu và có mối quan hệ thế thứ với các di tích quanh khu vực Đồng Tháp Mười như di tích Gò Hàng (đã thám sát, khai quật lần thứ nhất năm 1989), Gò Cao Su, Long Bửu (khai quật năm 1995), Giồng Phệt, Giồng Ca Vồ (khai quật tháng 12 năm 1993)… Di tích Gò Ô Chùa là một di tích quan trọng cho thấy sự phát triển nội sinh từ giai đoạn Tiền sử sang văn hóa Óc Eo.

Với kết cấu tầng văn hóa dày cho thấy di tích được sử dụng trong một thời gian dài, liên tục của một khối dân cư khá lớn.

Với những ngôi mộ ở di tích Gò Ô Chùa có hướng thống nhất, được sắp đặt tương đối có trật tự.

Những hiện vật ở Gò Ô Chùa phong phú, mang những sắc thái độc đáo và có thể so sánh với các di tích từng được phát hiện và khai quật quanh khu vực Đồng Tháp Mười. Gốm ở di tích Gò Ô Chùa có những nét gần gũi về chất liệu và kiểu dáng với gốm ở di tích Gò Hàng; di tích Gò Vĩnh Châu (khảo sát vào tháng 4 năm 1986 tại Vĩnh Hưng, Long An)…đó là loại gốm có xương đen, áo gốm màu trắng, mặt lòng được tô đen bóng, mặt ngoài tô đỏ, những bát chân cao, bát màu hồng có chân trụ, đáy loe, trang trí khắc vạch ở những điểm này khá giống nhau.

Về đồ án trang trí và kiểu dáng loại hình đồ gốm như bát bồng chân trụ cùng thấy là loại gốm mịn, xương đen, mặt ngoài phủ lớp áo màu đen bóng, hoa văn khắc vạch cũng giống với di tích Giồng Phệt, di tích Giồng Cá Vồ (ở Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh)

Chậu gốm- hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa.
 Chậu gốm- hiện vật khai quật được tại di tích Gò Ô Chùa.

Tuy nhiên trong tổng thể gốm của di tích Gò Ô Chùa đã thấy biểu hiện những yếu tố khá rõ ràng của gốm Óc Eo đó là loại bình cổ nhỏ, những loại gốm 3 chạc và những nắp vung gốm đã tìm thấy, có thể nói hầu hết các họa tiết hoa văn trên gốm của di tích Gò Ô Chùa đều được xếp vào hoa văn gốm Óc Eo, đặc biệt là hoa văn sóng nước.

Ngoài nghề gốm, nghề dệt ở đây cũng rất được coi trọng, trong các mộ táng đều thấy chôn theo dọi se chỉ. Những công cụ bằng sắt đã chứng tỏ cư dân ở đây đã sử dụng làm công cụ sản xuất và khai thác động vật từ săn bắn.

Về niên đại còn cần tham khảo những kết quả phân tích, nhưng trên cơ sở so sánh có thể nghĩ rằng lớp cư trú sớm nhất ở Gò Ô Chùa tương đương với lớp muộn nhất của địa điểm Gò Cao Su (Đức Hòa, Long An) cách ngày nay khoảng 2000 năm. Những lớp giữa và lớp trên có mối quan hệ với di tích Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ. Vào giai đoạn muộn nhất ở di tích Gò Ô Chùa đã có những yếu tố thuộc văn hóa Óc Eo tương đương với các di tích Gò Hàng, Gò Vĩnh Châu…

Khung niên đại ở di tích Gò Ô Chùa được đoán định khoảng 2 – 300 năm trước Công nguyên tới 2 – 300 năm sau Công nguyên (theo sách Thông báo khoa học Bảo tàng Lịch sử Việt Nam năm 2001).

Di tích Gò Ô Chùa là một di chỉ rất phong phong phú, cho thấy sự hình thành từ giai đoạn Tiền sử sang văn hóa Óc Eo, giai đoạn bản lề từ Tiền sử sang Sơ sử. Gò Ô Chùa chính là một ngả đường tiến đến Óc Eo và thực sự đóng góp vào sự phát triển nội sinh của nền văn hóa nổi tiếng. Vì vậy rất cần có sự lưu tâm đặc biệt với di tích này.

 

Xem thêm về Du Lịch Long An

Xem Tổng Quan

Giới Thiệu Long An

Vừa mang nét duyên dáng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, lại có nét duyên dáng của miền đông Nam Bộ, Long An là tổng hòa giao thoa văn hóa của cả vùng miền tây sống nước. Đến với Long An bạn sẽ cảm nhận được sự đa dạng giữa nét đẹp sông nước miền tây lẫn những văn hóa văn hóa Óc Eo mà chỉ riêng Long An mới có.
Long An
 
 
 

CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM

Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Số ĐKKD: 0108370327

Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.

Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.

GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ

Giới thiệu chi tiết

Bạn cần trợ giúp? hãy gọi ngay

(+84) 903 662 420

Lienhe@dulich24.com.vn

Từ 7h đến 21h hàng ngày

Đối tác cao cấp

Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.