Tường chùa được xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi. Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) đến chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).
Công trình kiến trúc chùa Hà được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, mái chùa nép mình dưới vòm cây cổ thụ. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.
Sau cổng tam quan là vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Ba mặt bia khắc chữ Hán theo nội dung lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán nôm, một mặt bia khắc chữ quốc ngữ. Bia chùa tạo năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng, ngày càng to đẹp, hoàn toàn bằng tiền thập phương công đức, được xem là một trong những ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất ở Hà Nội.
Không hiểu bắt đầu từ đâu và từ khi nào, tên tuổi chùa Hà gắn liền với niềm tin rằng nơi đây rất linh nghiệm đối với những lời cầu xin về tình duyên. Khách thập phương, trong đó nhiều nhất là thanh niên nam nữ không chỉ ngày rằm, mùng một hay đầu năm mới mới đến chùa thắp hương cầu xin mà dường như quanh năm, chùa lúc nào cũng đông khách.
Dọc con phố dẫn vào chùa Hà bán chỉ một loại hoa hồng, hoa của tình yêu. Những người viết sớ thuê thì luôn sẵn sàng viết những lá sớ cầu xin trời Phật gắn kết người này với người kia, xin mặn nồng, bền lâu theo ý của những người đến cầu duyên. Các hàng lưu niệm quanh chùa cũng bán rất nhiều vòng, nhẫn… mà cái nào cũng đi theo đôi, theo cặp…
Có thể nói trong số các chùa lớn nhỏ ở Hà Nội thì chùa Hà là nơi thu hút được đông người trẻ đến lễ nhất. Đến chùa Hà, nữ có phần đông hơn nam và tất cả các bạn nữ đến đây đều không hề giấu giếm ý định cầu duyên của mình. Các chàng trai thì có phần kín đáo hơn một chút.
Vào những ngày đầu năm mới này, chùa Hà lúc nào cũng đông nghẹt. Trên tất cả các ban là các đĩa hương nến, hoa quả… của phật tử xếp chồng lên nhau không biết bao nhiêu lớp.
Ghé thăm chùa Hà, người ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của ngôi chùa cổ mà còn tò mò muốn tìm hiểu gốc tích về câu chuyện cầu duyên nơi đây.
Nếu như những ngôi chùa khác tập trung nhiều tầng lớp trung niên, các cụ già đến lễ bái, giải hạn thì chùa Hà lại được nhiều bạn trẻ biết đến với tên gọi chùa “Tình Yêu”. Và đa phần họ đến đây để dâng hương, xin sớ, xem quẻ cầu duyên.
Hầu hết du khách đều không hay biết về sự tích cầu duyên của Chùa Hà. Có lẽ vì chùa không có sư tu mà được trông nom bởi người dân trong phường, nên những mong mỏi, nhưng tâm sự thường nhật của con người mới được hào phóng đến với cõi Phật đến thế.
Du khách đến lễ chùa Hà, ngoài việc tìm tới sự trong lặng nơi cửa chùa, ai cũng cầu nguyện một tình duyên trọn vẹn. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi, hạnh phúc mãi; kẻ cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại. Người già thì cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Ai cũng tin Đức Phật từ bi cũng như Thánh Mẫu trên cao sẽ thấu hiểu được lòng mỗi người.
Thắp một nén hương thơm, chắp tay cúi đầu thành kính trước đức Phật, ai cũng có những cầu nguyện cho riêng mình nhân dịp xuân về.
Chùa Hà đã chứng kiến hàng vạn tâm tư, niềm vui, nỗi buồn, nhìn thấy vô số niềm hy vọng, đổ vỡ của nhân tình thế thái. Con người ta đời nào cũng thế, ai cũng mong mỏi, khao khát hạnh phúc, nhất là hạnh phúc lứa đôi. Cũng có nhiều cô cậu đến lễ vì tò mò, để “thử xem thế nào”, nhưng mà cũng có nhiều người đến cửa chùa với những nỗi niềm bi thiết.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.