Phố Hàng Thiếc nằm trên nền đất xưa thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Nơi này là đất lành của người làng Phú Thứ (Hoài Đức). Họ và người dân ở các vùng miền khác nhau về đây cùng phát triển nghề làm đồ gia dụng bằng thiếc. Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, công cuộc chấn hưng đất nước đã biến vùng đất có nhiều sông, hồ này thành một đô thị phát triển, dân trăm miền di cư về, mang theo những nghề gia truyền của quê hương. Sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng của thời đại và đời sống dân sinh.
Vào những năm giữa thế kỷ XX nghề làm hàng bằng thiếc đổi sang làm hàng bằng sắt tây nên người Pháp gọi con phố này là Rue des Ferblanties (Phố thợ làm hàng sắt tây). Nghề làm hàng bằng sắt tây có từ khi người dân bắt đầu quen với việc dùng đèn dầu hoả; những thùng đựng dầu là nguyên liệu cho thợ thủ công phố này. Có những chiếc thùng cứ để nguyên, chỉ đốt ở trong cho hết mùi dầu hoả, rồi đóng đai bán cho người ta dùng để gánh nước. Sắt tây thùng cũ đó còn dùng để gò chậu giặt, gáo múc nước.
Ngoài ra, để thích ứng với nhu cầu mới, những người thợ thủ công ở Hàng Thiếc đã chuyển sang sản xuất đồ gia dụng bằng sắt tây hoặc bằng tôn hoa. Mặt hàng phổ biến là xô, thùng đựng nước và gánh nước, chậu rửa, chậu giặt, hòm đựng quần áo, gầu múc nước... Con phố nhỏ vốn không mấy khi yên tĩnh bởi những âm thanh của việc gò, hàn càng nhộn nhịp hơn mỗi độ trung thu về. Thợ thủ công ở đây đã tận dụng những nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất làm những món đồ chơi nho nhỏ cho con trẻ: tầu thủy, máy bay cho bé trai; đèn quả đào có cô tiên, đèn bướm cho bé gái.
Từ sau năm 1931 phố Hàng Thiếc dần dần có thêm một số nhà buôn bán lớn, giàu có không phải về nghề làm tôn và sắt tây, mà do buôn tôn kẽm tấm, buôn kính tấm lớn, kính hoa lắp các cửa những ngôi nhà hiện đại, và có nghề tráng gương, mài kính gương. Hàng Kính và gương mua của Công ty Thuỷ Tinh Viễn Đông ở Hải Phòng, hoặc mua được hàng thẳng tại Hãng Gobelin ở bên Pháp. Nhiều nhà làm giàu nhanh chóng vì mua chịu được hàng của mấy hãng Descous Cabaub - Poinsard Veyret hoặc Denis - Freres, “vốn người lãi ta”.
Từ chỗ bán kính, gương, rồi làm ống máng ống nước sau họ thêm cả buôn bán các thiết bị nhà tắm vệ sinh bằng sứ, bán cho thầu khoán hoặc trực tiếp đưa thợ mang đồ đến làm ở những nhà gọi sửa chữa hoặc làm mới, với những công việc như đặt ống nước, lắp kính cửa, đặt xí máy, lavabô.
Ngày nay, khi tôn, kẽm, sắt tây đã được sử dụng phổ biến thì phố này chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng từ tôn, nhôm, i-nốc như khuôn làm kem, bánh, bình tưới, hòm xiểng… đến thuyền nhỏ cho dân vùng đất bãi sông Hồng. Nghề làm gương kính cũng chiếm vị trí quan trọng ở đây, nhất là khi nhu cầu làm tủ bày hàng, cửa với vật liệu nhẹ như khung nhôm kính phát triển thì phố này bận rộn suốt ngày đêm với các công trình lớn nhỏ.
Trãi qua bao năm tháng phố Hàng Thiếc vẫn không thay đổi nhiều, ngày ngày vẫn râm ran tiếng búa gõ vào những mảnh thiếc, mảnh tôn trắng lấp lánh, gò nên những sản phẩm thiết thực trong đời sống hàng ngày.Đây là một trong số ít các phố nghề của 36 phố phường Hà Nội còn giữ được nghề gia truyền. Phố Hàng Thiếc sẽ còn mãi với Thăng Long, với Hà Nội.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.