Cách đây 10 năm, khi kết qủa 3 lần khảo cổ học tại di tích Cồn Ràng (thôn Phụ Ổ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà) được công bố, các nhà khảo cổ học cho rằng: Ngoài quần thể di tích Cố đô và Nhã nhạc cung đình, Thừa Thiên Huế có thêm niềm tự hào với những khu mộ chum lớn nhất thuộc văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách nay hơn 2000 năm.
Hầu hết hiện vật Cồn Ràng sau khi được khai quật, hiện đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng. Đó là những ngôi mộ chum bằng gốm với nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau. Sau hàng ngàn năm tồn tại trong lòng đất, khi khai lộ, phần lớn các mộ chum không còn nguyên vẹn. Qua bàn tay của các nhà khảo cổ, một số trong đó đã được chỉnh lý, trở về hình dáng nguyên thủy của nó.
Cùng với 200 ngôi mộ chum được tìm thấy là hàng ngàn di vật tùy táng bằng nhiều chất liệu như sắt, đồng, đá, thuỷ tinh, gốm, phản ánh đời sống sinh hoạt, tâm linh, tín ngưỡng của con người trong một thời điểm lịch sử xa xưa, từ vũ khí như giáo, lao, dao găm, kiếm; công cụ lao động như liềm, đục, búa, rìu ... cho đến đồ trang sức bằng kim loại, mã não, đá… Với diện phân bố rộng, mật độ hiện vật dày đặc, Cồn Ràng được xem là dấu tích văn hóa Sa Huỳnh lớn nhất được tìm thấy từ trước đến nay ở miền Trung. Cùng với các đợt khai quật trước đó tại Cồn Dài và Cửa Thiềng, đây là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu đi đến một kết luận: Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hóa Sa Huỳnh chứ không đơn thuần chỉ là vùng đệm giữa văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung như những nhận định trước đây.
Khuyên tai hình đầu thú tìm thấy tại Cồn Ràng có mô típ đầu bò, đầu trâu xuất hiện trên quan tài người Cơ Tu
Ngoài mảng hiện vật gốm phong phú về chủng loại, hình dạng và hoa văn, các nhà khảo cổ học đã bất ngờ tìm thấy hai hiện vật đồng tại di tích Cồn Ràng trong đó có một cán dao găm minh khí, hình khối tượng người có vai nở, bụng thót, mông bành. Đặc biệt, khối tượng bé nhỏ này thể hiện rõ phần tai đeo đồ trang sức, bên trái đeo khuyên tai hình vành khăn, bên phải đeo hoa tai hình hoa rau muống. Theo các chuyên gia khảo cổ, lần đầu tiên, hoa tai hình hoa rau muống được tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Sa Hùynh. Trước đó, chúng chỉ được phát hiện ít ỏi trong văn hóa Đông Sơn. Phát hiện quý giá này là cơ sở để các nhà khảo cổ học đi đến một giả thiết có tính khoa học, cho thấy mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn ở Cồn Ràng.
Một trong những mộ chum được chỉnh lý từ các mảnh vỡ
Khá nhiều hiện vật trang sức bằng đá, mã não, thủy tinh đã được tìm thấy trong các ngôi mộ chum trong quá trình khai quật. Thú vị ở chỗ, những chuỗi trang sức bằng mã não này được chế tác khá tinh xảo. Đến nay, chưa ai trả lời đựơc là bằng cách nào, cách đây hơn 2000 năm, con người có thể đục những lổ nhỏ li ti xuyên qua những hạt mã não bé nhỏ bởi với độ cứng của nó, công việc này ngày nay phải nhờ cậy đến những mũi khoan đặc biệt bằng kim cương.
Cán dao minh khí hình người, tai đeo khuyên hình hoa rau muống lần đầu tiên được tìm thấy ở các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh
Sau hơn 2000 năm tồn tại, đến nay, một điều chưa thể khẳng định, rằng ai là chủ nhân của những ngôi mộ cổ tại Cồn Ràng. Theo thư tịch cổ và điều tra dân tộc học, người Chăm cổ rất tài giỏi trong nghề đi biển, thạo nghề luyện sắt và ưa chuộng đồ trang sức bằng mã não. Trong khi đó, cách Cồn Ràng 2.500m, tại xã Hương Xuân hiện có nhà thờ họ Chế có gia phả từ 14-16 đời. Tại đây còn lưu giữ nhiều huyền tích như miếu bà Yàng, điện thờ bà Lồi. Theo các nhà khảo cổ, đây là cơ sở để nghĩ đến con đường phát triển văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chăm cổ ở Thừa Thiên Huế.
Ở mảng hiện vật trang sức được tìm thấy tại Cồn Ràng, đã phát hiện khuyên tai hai đầu thú, rất gần với mô típ đầu trâu, đầu bò xuất hiện ở đuôi và đầu quan tài của người Cơ Tu ở A Lưới. Sự giao thao văn hóa này thực sự là một ẩn số về tiến trình phát triển lịch sử của các tộc người ở Thừa Thiên Huế mà theo giới chuyên môn, cần được đầu tư nghiên cứu sâu hơn, cả phương diện tư liệu trong lòng đất, thư tịch cổ và các cuộc điều tra dân tộc học ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung.
Với giá trị đặc biệt gắn với di tích Cồn Ràng, tại báo cáo khảo cổ học cách đây 10 năm, rất nhiều đề xuất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh tại Huế đã được đề xuất.
Giới nguyên cứu và khảo cổ cho rằng, cần tiến hành lập hồ sơ di tích để đề nghị xếp hạng Cồn Ràng là di tích cấp quốc gia. Cần có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ và phát huy giá trị, xây dựng bảo tàng ngoài trời, làm điểm tham quan du lịch tại đây. Với nguồn hiện vật phong phú, hoàn toàn có thể lập phòng trưng bày chuyên đề về di tích Cồn Ràng ở Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng. Đặc biệt, những kết quả thu được tại Cồn Ràng là minh chứng rõ ràng về một giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khoa học đặt ra như cư dân Cồn Ràng cư trú ở khu vực nào, qui mô, nguồn gốc và quá trình phát triển ra sao? Điều này đòi hỏi phải có những kế hoạch tiếp tục khiển khai nghiên cứu.
Tuy nhiên, sau 10 năm công bố kết qủa khảo cổ, những giải pháp tiếp theo cho di tích Cồn Ràng hầu như chưa có gì, ngoại trừ một phần hiện vật được trưng bày khiêm tốn trong khuôn khổ chuyên đề khảo cổ học ở Thừa Thiên Huế trong không gian còn khá đơn sơ tại Di Luân Đường. Trong khi đó, trong quá trình phát triển, 2/3 di tích Cồn Ràng với diện tích 5000m2, đã nằm gọn trong lộ giới đường tránh Huế. Điều này càng đòi hỏi cấp thiết hơn giải pháp khoanh vùng bảo vệ phần di tích còn lại của di tích Cồn Ràng, để bảo tồn và phát huy giá trị.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.