Làng nghề truyền thống sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, có lịch sử hơn 200 năm nay. Đến nay, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
Đổi mới để phát triển
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nhì ở làng Hạ Thái nay đã ở tuổi "thất thập". Cụ là người lớn tuổi nhất trong số 4 nghệ nhân của làng Hạ Thái (làng có số nghệ nhân được công nhận nhiều nhất tỉnh Hà Tây cũ) được tỉnh công nhận nghệ nhân làng nghề truyền thống cuối năm 2006. Gắn bó gần như cả đời người với làng nghề, cụ tâm sự: Trước đây, ở Hạ Thái chỉ sản xuất hàng sơn son thếp vàng, chủ yếu dùng loại sơn ta, cách pha theo kinh nghiệm cổ truyền. Loại sơn này lấy từ Phú Thọ, đặc tính rất độc, nếu không cẩn thận sẽ bị ăn lở, sưng húp cả mặt. Tuy nhiên, 5-6 năm lại đây, chúng tôi chủ yếu dùng sơn dầu hạt điều được lấy từ TP. Hồ Chí Minh.
Anh Đỗ Văn Thừa, Chủ tịch hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: Hiện nay, làng nghề đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm độ bóng, bền, đẹp.
Mỗi sản phẩm cũng phải đến 15-16 lớp sơn, ít cũng 10 lớp thì mới đảm bảo chất lượng. Nếu để hàng nứt, cong, vênh sẽ bị khách hàng khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín của làng. Hơn nữa, các nghệ nhân làng nghề không ngừng sáng tạo, cái tiến hàng nghìn mẫu mã sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu và hấp dẫn khách hàng trong và ngoài nước
Các loại sản phẩm: Bát, đĩa, lọ hoa, âu, khay, tranh sơn, tranh khảm, album... là sản phẩm chủ đạo của làng nghề. Chất liệu chính là gỗ, tre nứa, song mây, gần đây có thêm các chất liệu mới compuzit, gốm sứ...
Nhiều sản phẩm của làng nghề qua các cuộc thi, triểm lãm trong và ngoài nước đã nhận được nhiều lời thán phục của các chuyên gia, giành được những tặng thưởng xứng đáng.
Hiện làng có gần 700 hộ vớihơn 3.000 nhân khẩu, có tới 90 % số hộ tham gia sản xuất sơn mài. Ngoài ra, có khoảng 2 nghìn lao động ở ngoài đang làm việc tại làng, có hộ lên đến 60-70 nhân công. Hàng sơn mài chủ yếu dùng để xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật, Úc, Ý, Anh, Pháp, Nga...
Năm 2007, xuất khẩu đạt hơn 60 tỷ đồng, năm 2008 ước tính đạt hơn 70 tỷ đồng. Doanh thu của mỗi hộ trung bình hàng năm cũng đạt khoảng 150 triệu đồng, có doanh nghiệp lớn như Mỹ Thái, Thành Sơn... lên đến hàng tỷ đồng.
Ấn tượng với đối tác nước ngoài
Cụ Nhì tâm sự: Thời điểm làm ăn "phất" nhất của các cơ sở sơn mài là những năm 1997-1998 trở lại đây, lúc nhiều đối tác nước ngoài tìm đến nhờ chính sách thông thoáng của Nhà nước. "Tôi còn nhớ một ông người Mỹ (cụ Nhì gọi tên là O-get-ty), với một hành trình cảm động tìm đến làng Hạ Thái. Ông ấy nói: Tôi là người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam để tìm mua sản phẩm sơn mài! Khi đi, tất cả bạn bè tôi đều lo ngại, sợ sang Việt Nam không cẩn thận họ sẽ giết tôi mất! Nhưng sang đây tôi mới biết con người Việt Nam cực kỳ tốt" - cụ Nhì nhớ lại.
Cụ kể tiếp, chuyện bắt đầu từ một đối tác người Ý. Vì chúng tôi thường xuất hàng cho họ, sau đó họ lại xuất sang Mỹ để bán. Ấn tượng với những sản phẩm sơn mài từ Việt Nam, ông đã hỏi qua đối tác người Ý, rồi lần theo địa chỉ trong card để tìm. Khi nhận ra chính chúng tôi là người sản xuất mặt hàng đó, ông ấy đã rất vui sướng reo lên "Tôi đã tìm đúng chỗ rồi!".
Từ đó, ông ấy trở thành một đối tác lớn quen thuộc với gia đình chúng tôi. Ông ấy đã từng đưa vợ, con sang đây chơi và ăn cơm cùng gia đình tôi. Còn nhớ, thời điểm khủng bố đánh bom ở tòa tháp đôi ở Mỹ (11/9/2001 - PV), ông ấy đã gọi điện về đây ngay giữa đêm khuya với giọng hốt hoảng: "Chúng tôi đã bị đánh bom, hàng hóa bị mất sạch, nhưng may mắn là người không bị làm sao"...
Hiện cơ sở sản xuất sơn mài xuất khẩu Thành Sơn của cụ Nhì có nhiều đối tác nước ngoài tìm đến nhờ uy tín và chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo. Nhiều đối tác lâu năm ở Mỹ, Đông Âu, Thái Lan, Nhật, Ý, Úc....tín nhiệm. Mỗi tháng cơ sở Thành Sơn xuất một container hàng, trị giá khoảng 25-30 nghìn USD. Doanh thu hàng năm của gia đình cụ Nhì hơn 2 tỷ đồng.
Theo lời tâm sự của anh Đỗ Văn Thừa thì, rồi đây khi mọi hoạt động làng nghề chuyển ra điểm TTCN là bước ra một một sân chơi lớn, các cơ sở cần liên kết, chia sẻ với nhau thì mới phát triển được. Vấn đề khó khăn hiện nay là việc xử lý rác thải chưa tìm được lối ra. Hơn nữa, hệ thống giao thông liên thôn, xã chưa được đầu tư xứng tầm, làm cản trở việc vận chuyển hàng hóa cũng như thu hút du khách nước ngoài đến với làng nghề.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.