Xưa kia, đây là một ngôi chùa cổ thuộc thôn Bà Già. Về lịch sử tên gọi Bà Già thì có lẽ nên bắt đầu từ Toàn thư, truyện chép về Trần Nhật Duật có nhắc đến thôn Bà Già. Theo đó, thôn Bà Già là một thôn làng của người Chiêm Thành, có tên gọi là Đa - da - li, sau gọi chệch là Bà Già. Đến năm 1985, các nhà sử học khi nghiên cứu về vấn đề ruộng đất thời kì phong kiến vẫn có nhắc đến thôn Bà Già nhưng vẫn không biết cụ thể thôn đó ở vị trí nào.
Tuy nhiên, trong Bản xã thần kí (ghi chép về thần của các làng) có nói đến thôn này. "Thôn Phú Gia xưa có tên là thôn Bà Già, có sông Già La chảy qua. Già La là tên cổ của sông Thiên Phù. Từ thời Bắc thuộc, nơi đây đã có nhiều miếu thờ thổ thần". Ngoài ra, ở ngôi chùa làng hiện nay còn bức hoành phi "Bà Già tự" và một tấm bia có tên là "Bà Già tự tân tạo bi kí" được khắc vào năm 1683.
Đây là một ngôi chùa cổ. Trước cửa chùa có biển đề tên chùa là Bà Già tự. Trong chùa có tấm bia khắc năm 1638 cho biết chùa có đợt trùng tu lớn vào năm Dương Hòa thứ 2 (1636). Như vậy, chùa đã tồn tại ít nhất là từ cuối thế kỉ thứ 16. Gần đây, khu vực cổng chùa được sửa chữa, xây dựng lại theo phong cách kiến trúc mới nên nhìn khá hiện đại.
Vào thời Lê, chùa Bà Già là một trong những ngôi chùa quy mô, bề thế nhất thành Thăng Long. Chùa được xây dựng trên một khuôn viên rộng, thế đất Quy độ đầu với hình dáng con rùa đỗ ở phía Bắc của làng. Chùa có bố cục mặt bằng hình chữ công. Từ ngoài vào trong chùa có các công trình kiến trúc là Cổng tam quan, Nhà tiền đường, Nhà thiêu hương, Thượng điện, Nhà thờ Tổ, thờ Mẫu cùng các công trình kiến trúc phụ được bố trí hài hòa trong không gian xanh mát của những gốc cổ thụ.
Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa vào năm 1996.
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.