(+84) 903 662 420

Tư vấn du lịch Nam Định

Tư vấn du lịch Nam Định
 
 

Tư vấn du lịch Nam Định

Nam Định là tỉnh có bề dày lịch sử và văn hoá, nơi phát tích của vương triều Trần, một triều đại hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với các di tích như: khu di tích nhà Trần, chùa Tháp, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, Phủ Dày...Nam Định còn là quê hương của các bậc võ tướng anh hùng, đồng thời cũng là quê hương của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Trần Tế Xương (Tú Xương), Nguyễn Bính...
 

GIỚI THIỆU DU LỊCH NAM ĐỊNH

Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển nam châu thổ sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội 90 Km. Nam Định có điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội và những yếu tố nguồn lực thuận lợi để phát triển ngành du lịch với tốc độ nhanh,bền vững.


Du lịch Nam Định

DI CHUYỂN, ĐI LẠI Ở NAM ĐỊNH

Bằng phương tiện công cộng

Lấy Hà Nội làm điểm xuất phát. Có ba phương tiện để bạn có thể đến Nam Định là xe khách, tàu lửa hay đường thủy. Mỗi phương tiện có lịch trình khác nhau, giá vé khác nhau, vì thế bạn nên tham khảo cũng như đặt vé trước.
Đến Nam Định thì thuê xe ôm, xe máy hay taxi để đến thăm các danh thắng.

Bằng phương tiện cá nhân

Thành phố Nam Định cách Hà Nội 90km, khoảng cách lý tưởng cho một chuyến phượt trong ngày tham quan một vài địa điểm đã xác định hay một chuyến đi dài ngày để khám phá hết vẻ đẹp của Thành Nam, những bãi biển, di tích lịch sử.

Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang theo đầy đủ giấy tờ, tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ. Mang bao tay, khẩu trang, kính mát. Trang bị điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển.

NÊN DU LỊCH NAM ĐỊNH VÀO THỜI GIAN NÀO

Bất kỳ thời điểm nào Nam Định cũng đẹp nhưng nếu đến vào dịp rằm tháng Giêng, bạn sẽ được hòa mình vào lễ hội Khai Ấn lớn nhất nhì tỉnh.

ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN Ở NAM ĐỊNH

1. Chợ Viềng

Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh, trước đây chợ còn có tên là chợ chơi du xuân (du xuân thị). Bao quanh là cả một quần thể di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam, nên cùng với việc đi chơi chợ là hoạt động lễ Mẫu để Người ban cho sức khoẻ và tài lộc. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một phiên thôi, một phiên chợ kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tết. Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm, và cũng có thể là lỡ cả một đời người.


Chợ Viềng

2. Khu di tích Phủ Dày

Khu di tích thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam (Thánh Tản Viên, Thánh Dóng, Chử Đồng Tử, bà chúa Liễu Hạnh). Phủ Dày là một quần thể di tích gồm ba di tích chính: phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng bà Chúa Liễu.


Khu di tích Phủ Giầy

3. Chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ có tên chữ là Quang Thần tự thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, một di tích lịch sử - văn hoá, thắng cảnh nổi tiếng vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, được lập vào thế kỷ thứ XII thời Lý. Chùa dựng trên một nền đất vuông, có sông nhỏ và hồ bao quanh. Chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã từng chữa cho vua Lý Thần Tông thoát khỏi cơn bệnh hiểm nghèo.


Chùa Cổ Lễ

4. Đền Trần

Căn cứ theo sử sách còn ghi lại và các tư liệu khai quật khảo cổ thì Khu di tích Đền Trần được xây dựng trên nền cũ của cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa. Bao quanh hai cung điện chính còn có cung Đệ Nhất, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, cung Đệ Tứ là nơi hoàng tộc và quan lại ở. Các cung này nằm án ngữ các con sông Hoàng Giang, Nhị Hà và Vị Hoàng. Nó như vòng đai bảo vệ phía ngoài cho điện Trùng Quang và Trùng Hoa.


Đền Trần

5. Khu bảo tồn rừng ngập mặn Xuân Thủy

Tháng 01/1989, khu bãi bồi ở phía Nam cửa sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy (tỉnh Hà Nam Ninh cũ) được UNESCO công nhận chính thức gia nhập công ước Ramsar (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của những loài chim nước Ramsar, Iran,1971). Đây là Khu Ramsar thứ 50 của thế giới, đầu tiên của khu vực Đông Nam á và duy nhất của Việt Nam suốt 16 năm (đến năm 2005, Việt Nam mới có Khu Ramsar thứ 2 là khu Bàu Sấu của Vườn quốc gia Cát Tiên). Diện tích đăng ký tham gia công ước Ramsar là 12.000ha, trong đó ngoài khu vực đầm lầy còn có hơn 3.000ha rừng ngập mặn.


Khu bảo tồn rừng ngập mặn Xuân Thủy

6. Chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh mở đầu kiến trúc Phật giáo thời Trần. Các công trình kiến trúc và chạm khắc ở đây còn giữ được dấu ấn của thời Trần, thời Mạc như: bộ cánh cửa bằng gỗ lim (mỗi tấm cao 1,92m, rộng 0,79m) ở nhà bái đường, tháp Phổ Minh, đôi sấu ở tam quan, rồng ở thành bậc tiền đường, tháp và tượng Bà chúa Mạc v.v... Chùa vốn có một vạc lớn bằng đồng được xếp vào “Thiên Nam tứ đại pháp khí” (vạc Phổ Minh, tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm) nay không còn.


Chùa Phổ Minh

7. Cột cờ

Xây dựng vào thế kỷ XIX, cùng thời với cột cờ ở kinh thành Huế năm 1807, cột cờ Hà Nội năm 1812 và cột cờ ở thành Bắc Ninh năm 1838. Căn cứ theo một số tư liệu thì cột cờ Thành Nam xây cùng thời với cột cờ Hà Nội. Công trình này đã được bổ sung thêm nhiều như phía trên đỉnh, nên mãi đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.


Cột cờ 

8. Vườn quốc gia Xuân Thủy

Vườn quốc gia Xuân Thủy là một khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.


Vườn quốc gia Xuân Thủy

9. Bãi biển Thịnh Long

Đối với du khách miền Bắc, đặc biệt là người dân Thủ đô Hà Nội, cái tên Thịnh Long không còn xa lạ mỗi dịp hè về. Bởi lẽ, nơi đây chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 150km, khoảng cách gần so với nhiều bãi biển khu vực miền Bắc. Chẳng những thế, Thịnh Long vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ hơn hẳn so với bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò vì không có cái nóng oi nồng của gió Lào. Do thiên nhiên ưu đãi nên thức ăn ở đây luôn tươi, ngon, giá cả rẻ.

Bãi biển Thịnh Long
Bãi biển Thịnh Long

10. Hội Phủ Dày

Hàng năm vào thượng tuần tháng 3 âm lịch, chính hội là 3/3, du khách thập phương nô nức hành hương về với Hội Phủ Dày, nơi thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Mẹ linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Tục thờ Đức Thánh mẫu có ở khá nhiều nơi như Phố Cát (Thanh Hóa), Đền Sòng (Nghệ An)... Nhưng có lẽ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (nơi Mẫu sinh) là thu hút khách thập phương hơn cả.


Hội Phủ Giầy

11. Biển Quất Lâm

Đến bãi tắm biển Quất Lâm, bạn sẽ thực sự hài lòng với những món đặc sản biển mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển nơi đây với giá cả rẻ hơn rất nhiều so với các khu du lịch biển khác trong cả nước như tôm – cua – cá mực … Được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản mang đậm đà phong cách Nam Định.

Bờ biển Quất Lâm, nơi được mệnh danh là thiên đường sung sướng nhất nhì ở miền Bắc.
Biển Quất Lâm

12. Nhà thờ Trung Lao

Nhà thờ Trung Lao được khởi công xây dựng năm 1888, hoàn thành năm 1898 là môt công trình kiến trúc độc đáo kết hợp các yếu tố Gothique, Tây Ban Nha và kiến trúc truyền thống Việt Nam, chú trọng phát triển bề rộng, ít vươn lên tầm cao, không gian bên trong khi nào cũng ôn hòa, mát mẻ.


Nhà thờ Trung Lao

ĂN GÌ? Ở ĐÂU?

Không có qua nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm vui chơi, nhưng mỗi lần du lịch Nam Đinh đều khiến cho người ta có cảm giác thoải mái, gần gũi. Những món ngon Nam Định như nem nắm, giò lụa, phở bò... luôn để lại nhiều ấn tượng với du khách.

Giò lụa - Món ngon đậm đà rất riêng của Nam Định

Món ngon Nam Định: Giò lụa
Món ngon Nam Định: Giò lụa được khách phương xa đặt mua nhiều vào dịp lễ tết
Có rất nhiều loại giò làm từ thịt lợn: giò lụa (giò nạc), giò xào (giò thủ), giò thúc...mỗi loại có hương vị, cách làm riêng nhưng giò lụa lại được xếp hàng đầu và trở thành món ngon Nam Định có giá trị dinh dưỡng cao. Giò lụa Nam Định ngon nổi tiếng, bởi việc chọn lựa, pha thịt, kỹ thuật chế biến thành sản phẩm rất công phu và khá cẩn trọng. Miếng giò ăn béo bùi, giòn thơm làm cho chén rượu ngày xuân thêm nồng say. Món ngon Nam Định này rất được nhiều người phương xa đặt mua nhất là vào dịp lễ tết. Giò lụa ăn cùng với bánh chưng, dưa hành có thể là món nhâm nhi của các ông, một món ăn vui, thêm đậm đà câu chuyện của các bà và là món ăn trẻ nhỏ cũng khó lắc đầu từ chối. 

Phở bò - Món ngon gia truyền của người Nam Định

Món ngon Nam Định: Phở bò
Món ngon Nam Định: Phở bò ăn ngon đến những giọt cuối cùng
Phở bò Nam Định được nấu theo công thức bí truyền của mỗi gia đình nhưng vẫn có nét đặc trưng ở nước dùng ngậy thơm đậm đà, bánh phở nhỏ sợi và thịt bò ngọt, mềm. Nếu phở Hà Nội phong phú, đa dạng nguyên liệu cũng như cách thưởng thức thì phở Nam Định chỉ là các biến tấu từ phở và thịt bò. Nước dùng trong, ngọt, thơm lừng với bánh phở trắng mềm mà không nát, thịt miếng nào cũng đều nhau, nhìn tươi, ăn vào không hề dai, ngược lại, ngon đến miếng cuối cùng. Món ngon Nam Định này càng đậm đà hơn khi cho thêm chanh, ớt và rau thơm.

Nem nắm Giao Thủy - Tự hào là món ngon Nam Định

Món ngon Nam Định: Nem nắm
Món ngon Nam Định: Nem nắm Giao Thủy được gói trong lá sung hoặc lá chuối
Nem nắm Giao Thủy được chế biến từ thịt lợn, bì lợn thái mỏng bằng tay, đem đi trộn với thính và các gia vị. Nem được cuốn trong lá sung, lá đinh lăng. Thính làm bằng gạo rang. Trước khi rang gạo phải đem xấp nước, để cho ráo. Khi rang phải thật đều lửa sao cho khi bẻ đôi hạt gạo thấy vỏ ngoài và lõi trong vàng một màu như nhau. Nem nắm Giao Thuỷ gói trong lớp lá sung, bọc ngoài bằng lá chuối, lá dong hoặc giấy báo, chẳng cần cho vào tủ lạnh cũng có thể để được mấy ngày. Chỉ cần ăn một miếng, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của món ngon Nam Định này.

Bánh nhãn - Món ngon dân dã của người Nam Định

Món ngon Nam Định: Bánh nhãn Hải Hậu
Món ngon Nam Định: Bánh nhãn Hải Hậu mang hương vị ngọt ngào, lôi cuốn
Bánh nhãn Hải Hậu là một đặc sản của đất Nam Định. Công thức làm bánh nhãn là 12 quả trứng gà/1kg bột. Bột sau khi xay mịn phải dùng rây để lọc lại, sờ vào mát tay, không một chút gợn mới đạt yêu cầu. Đổ bột vào chậu to, đập trứng gà vào và đánh nhuyễn với bột. Khâu nhồi bột cần mạnh tay, đều tay và dai sức, đến khi nào bột quyện với trứng vàng xốp, nhẵn lạnh như thạch thì được. Khi nặn bánh phải chắc tay, tròn nhưng không rạn, không ướt nước và xếp tăm tắp trên mặt mâm như bánh trôi.Làm bánh nhãn tay chân, dụng cụ đều phải khô ráo vì chỉ cần dính tí nước lã thôi thì bánh sẽ bị nổ ngay. Mỡ sôi lăn tăn thì cho bánh vào rán. Khi đảo phải nhẹ và đều tay để bánh tròn như lòng đỏ trứng, không dính, nở đều. Món ngon Nam Định này giờ được làm công nghiệp với nhiều loại máy móc hỗ trợ từ xay bột, đập bột, rán bánh đến hồ đường. Và bánh được bán quanh năm phục vụ cho người dân bản địa cũng như để khách thập phương mua về làm quà.

Bánh gai - Món ngon giữ được nét truyền thống Nam Định

Món ngon Nam Định: Bánh gai
Món ngon Nam Định: Bánh gai ăn một lần sẽ nhớ mãi
Bánh gai là một món bánh truyền thống của Nam Định, trong đó nổi tiếng nhất là bánh gai Bà Thi, xuất hiện từ năm 1978. Vỏ bánh gai được làm từ gạo nếp và lá gai. Bột gạo nếp xay mịn với lá gai khi nấu chín sẽ tạo thành màu xanh đen rất đặc trưng. Lá gai không khó kiếm, nhưng lá gai ít chát, có độ ngậy và thơm ngọt là lá gai trồng ở Trực Ninh, Xuân Trường. Đồng thời, phải chọn lá xanh tươi nõn nà, ngắt cuống đem phơi rồi nghiền thành bột, sấy khô. Nhân bánh với nguyên liệu chính là đỗ xanh xay nhuyễn, thơm và dẻo quánh lại, mỡ lợn thái nhỏ trộn với đường và cùi dừa xay, thêm một ít dầu chuối để có vị thơm hấp dẫn. Ngoài vỏ bánh rắc thêm chút vừng, sau đó gói bằng lá chuối khô, đặc biệt là lá chuối ngự vừa có độ mềm, dai và đẹp. Món ngon Nam Định này được nhiều du khách mua về làm quà biếu tặng người thân. Mỗi chiếc bánh gai như gói gém trong đó nét văn hóa đậm đà và tình quê tha thiết của người Nam Định.

Chè kho - Món ngon tinh túy của người dân Nam Định

Món ngon Nam Định: Chè kho
Món ngon Nam Định: Chè kho dẻo thơm được nhiều người yêu thích

Món chè dân dã này được người dân Nam Định đãi khách trong những ngày lễ tết, hay cúng rằm. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon. Ăn miếng chè kho, nhấp một ngụm trà sen, cảm nhận cái dư vị thơm dẻo, ngọt ngào đan quyện trong vị thanh mát, mới thấy được cái tinh túy của đất trời giao hòa trong buổi đầu xuân và tấm chân tình của người chủ mến khách. Giờ đây, những ngày bình thường, ta cũng có thể bắt gặp món ngon Nam Định này ở Hà Nội. Một món ngon dân dã mà ấm áp.

Mang gì khi đến Nam Định?

- Tất cả các trang phục, giày dép tùy thích. Nhưng lưu ý diện trang phục kín đáo, lịch sự khi đến thăm các di tích, đền chùa.
- Mang dụng cụ chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang theo thuốc trị các bệnh căn bản.
- Mang theo lều, áo khoác hay chăn mỏng, nồi nếu muốn cắm trại.

Các cung đường thường gặp

Hà Nội - Nam Định- Thái Bình
Hà Nội - Nam Định - Hà Nam
Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình
Hà Nội - Nam Định - Thái Bình - Ninh Bình - Hà Nam

KHÁCH SẠN Ở NAM ĐỊNH

 

 

Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.

 

Bạn nên xem thêm những điểm du lịch liên quan

Chợ Viềng Chợ Viềng Vụ Bản - Nam Định - Việt nam
Khu di tích Phủ Dày Khu di tích Phủ Dày xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
Chùa Cổ Lễ Chùa Cổ Lễ Trực Ninh - Nam Định - Việt nam
Đền Trần Đền Trần Nam Định - Nam Định - Việt nam
Chùa Phổ Minh Chùa Phổ Minh Mỹ Lộc - Nam Định - Việt nam
Vườn quốc gia Xuân Thủy Vườn quốc gia Xuân Thủy Giao Thủy - Nam Định - Việt nam
Bãi biển Thịnh Long Bãi biển Thịnh Long Hải Hậu - Nam Định - Việt nam
Cột cờ Cột cờ Nam Định - Nam Định - Việt nam
 
 
 
 
 

CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM

Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

Số ĐKKD: 0108370327

Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.

Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.

GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ

Giới thiệu chi tiết

Bạn cần trợ giúp? hãy gọi ngay

(+84) 903 662 420

Lienhe@dulich24.com.vn

Từ 7h đến 21h hàng ngày

Đối tác cao cấp

Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.