Chùa Chuông còn có tên gọi khác là Kim Chung Tự, nằm ở thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên. Chùa được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ 15) và trải qua cuộc trùng tu lớn vào năm 1707 tạo nên ngôi chùa hoàn chỉnh như ngày nay. Du khách đến thăm có thể thấy nét cổ kính và những hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê rõ rệt trên cánh cổng và mái cổng Tam Quan.
Bước qua cổng Tam quan, bạn sẽ thấy những bậc thang và cây cầu đá bắc qua ao mắt rồng. Cây cầu này được xây từ năm 1702 nhưng đến nay vẫn còn rất chắc chắn.
Hai bên ao và trong hồ trồng nhiều hoa súng, tạo nên khung cảnh thanh tịnh, yên bình.
Bước tiếp theo, con đường lát đá xanh sẽ đưa bạn tới Tiền đường. Mặt tiền của chùa quay về phía nam, là hướng của “Bát nhã” và “Trí tuệ”.
Vào trong sân, bạn sẽ thấy những cây hương bằng đá (thạch trụ). Đây cũng là một trong những điểm độc đáo ở chùa Chuông. Trên cây hương có ghi tên những người công đức và giúp đỡ xây dựng chùa.
Chùa Chuông có kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc”, là kiểu có hai hành lang dài nối liên nhà tiền đường ở phía trước với hậu đường ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa.
Kiểu kết cấu này có thể thấy ở nhiều ngôi chùa lớn khác tại Việt Nam như chùa Keo (Thái Bình), Bái Đính (Ninh Bình)…
Hai bên hành lang có tượng mười tám vị la hán với những sắc thái biểu cảm rất đa dạng cùng những bức tranh nói về địa ngục, về kiếp luân hồi.
Bên dãy hành lang trái, chùa con lưu giữ tấm bia từ năm 1711. Nội dung trên bia cũng tương tự với cột hương đá, đêu ghi lại tên những người công đức tu sửa chùa và cảnh đẹp của phố Hiến xưa.
Ở phía cuối là gác chuông đồng cổ kính. Truyền thuyết kể rằng, vào một năm đại hồng thủy, có quả chuông vàng trên bè trôi vào bãi sông thuộc thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa.
Các nơi đua nhau tới kéo chuông về nhưng không được, chỉ có người dân thôn Nhân Dục mới làm được chuyện này. Thấy vậy dân làng Nhân Dục cho là Trời Phật phù hộ nên quyên góp xây dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa tới vạn dặm. Cũng từ ấy gọi tên chùa là Kim Chung Tự.
Bên cạnh những gian thờ chính, phía sau chùa còn có gian thờ Mẫu, Tổ, nhà ở cho sư tăng, hồ nước... Với những giá trị vô giá về kiến trúc cổ, năm 1992 chùa Chuông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Người ta thường đến chùa Chuông vào dịp đầu xuân năm mới để cầu may, nhưng vào những ngày thường, bạn cũng có thể bắt gặp những Phật tử cao tuổi tới chùa tụng kinh, niệm Phật, tìm sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.