Cầu Hang Tôm không chỉ là cây cầu dây văng lớn nhất của cả khu vực vào thời điểm bấy giờ mà còn nhờ khung cảnh kỳ vĩ của nó, sau khi sông Đà hợp lưu với dòng Nậm Na, cuồn cuộn chảy giữa hai dãy núi cao vút, quốc lộ 12 men theo bờ sông cheo leo hiểm trở, chiếc cầu đẹp như một khuông nhạc kẻ vắt qua đôi bờ dựng đứng.
Không ngoa chút nào nếu nói rằng cầu Hang Tôm cũ từng là một "kỳ quan" của vùng Tây Bắc - Ảnh: Sưu tầm
Ngày đó, muốn từ Mường Lay (Điện Biên) qua sông Đà sang Mường So, Phong Thổ, Sìn Hồ (Lai Châu) phải đi bằng đò và phà. Mùa cạn nước sông hiền hòa còn đỡ, chứ mùa lũ, sông Đà hung dữ vô cùng. Nhưng có việc thì vẫn phải đi, bất chấp nguy hiểm dập dình. Năm nào cũng có chuyện phà trôi, đò lật, chết người thật hãi hùng.
Đó là câu chuyện ông Lò Văn Tòng, người dân tộc Thái kể cho chúng tôi về những kỷ niệm vượt sông Đà trước khi có cầu Hang Tôm.
Cây cầu Hang Tôm của thế kỉ trước - Ảnh: Sưu tầm
Ông Tòng kể, sở dĩ cầu có tên Hang Tôm là do khúc sông này xưa kia có quá nhiều tôm. Cách cầu chừng 50m có một “mó” nước rất mát, tôm từ sông Đà lũ lượt lên đó đẻ trứng, cả một khúc sông dày đặc tôm là tôm. Ngày ngày bà con thay nhau lên đó bắt về ăn. Nhưng người dân quanh khu vực này có tục lệ bất thành văn, mỗi nhà chỉ được bắt chừng một tiếng đồng hồ rồi nhà khác tiếp tục.
Cuối những năm 1960, cầu Hang Tôm bắt đầu được tiến hành xây dựng. Ngày đó, chuyên gia và công nhân Trung Quốc cũng qua giúp ta làm cầu. Tuy nhiên, đến năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ rút hết về nước. Rất may khi đó hạng mục được coi là khó nhất là cáp treo đã được kéo xong, chỉ còn lại các công đoạn hoàn thiện.
Nhưng cũng phải mãi đến năm 1973, cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Ngày đó thật sự là ngày hội lớn của hàng vạn đồng bào Tây Bắc. Hàng ngàn người từ khắp nơi cơm đùm, cơm nắm, đi bộ vài ngày đường đổ về để tận mắt được nhìn, được một lần đi qua cây cầu mơ ước.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường Việt Nam, dù đã được xây dựng cách nay 40 năm, nhưng công nghệ xây cầu Hang Tôm cũ được đánh giá không kém gì công nghệ xây dựng nhiều cầu hiện đại bây giờ. Tuy thi công giữa vùng núi non hiểm trở nhưng đây vẫn được coi là cây cầu treo dây văng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Khi cầu xây xong, để tránh sự phá hoại của các toán biệt kích địch, hai đầu cầu luôn có một trung đội công an chừng 30 người làm nhiệm vụ túc trực bảo vệ. Về sau trung đội này rút dần còn chừng một tiểu đội.
Cây cầu đã từng thu hút không biết bao nhiêu lượt du khách ghé thăm - Ảnh: Sưu tầm
Hang Tôm như một điểm nhấn cho vùng Tây Bắc. Cũng bởi vẻ đẹp hoành tráng và hoang sơ của cầu Hang Tôm nên những năm sau này, dân du lịch, Tây cũng như ta, đã đổ về đây, nhất là từ khi xuất hiện phong trào du lịch bụi.
Đến với Hang Tôm, cũng như tên gọi cây cầu, không ai không muốn thưởng thức những con tôm có vị ngọt lừ duy nhất chỉ có ở nơi đây.
Cầu Hang Tôm mới được xây dựng thay thế cây cầu cũ - Ảnh: Sưu tầm
Khi Thủy điện Sơn La hoàn thành, biến toàn bộ thị xã Mường Lay (Điện Biên) thành lòng hồ, cầu Hang Tôm cũng sẽ ngập nước. Chính vì vậy sau gần 40 năm, cầu Hang Tôm cũ đã kết thúc sứ mệnh lịch sử khi cầu Hang Tôm mới đã chính thức hoàn thành vào tháng 11/2012. Công trình này gắn liền với Thủy điện Sơn La hùng vĩ, đồng thời tạo dựng nên một kỳ tích mới của những người thợ cầu trên dòng Đà giang hung dữ.
Cầu Hang Tôm mới là loại cầu bê tông đúc hẫng cốt thép dự ứng lực được xây dựng cách vị trí cầu cũ chừng 600m về phía thượng lưu. Cầu dài hơn 362m, gồm 4 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên 4 trụ và 2 mố với chiều cao từ đáy sông Đà lên mặt cầu tới trên 70m, trong đó có 2 nhịp dầm thông thuyền giữa sông dài 120m, 2 nhịp biên 73m.
Vị trí xây cầu Hang Tôm mới cheo leo trên một mỏm núi, hai bên chân cầu gần như dốc đứng - Ảnh: Sưu tầm
Theo đánh giá của giới chuyên môn, cầu Hang Tôm là một trong những cây cầu bê tông đúc hẫng dự ứng lực khó thi công nhất tại Việt Nam do chiều cao, điều kiện địa hình thi công. Chỉ tính riêng khối lượng đá khổng lồ để trộn bê tông cho toàn bộ cây cầu do không thể khai thác tại chỗ, phải vận chuyển hàng trăm km từ các mỏ đá tại tỉnh Sơn La lên mới thấy hết sự vất vả của các đơn vị thi công. Điều kiện địa hình núi dốc đứng, mặt bằng thi công chật hẹp cùng sự thiếu thốn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt. Chính vì vậy mà một kỹ sư đã tuyên bố một cách rất chủ quan rằng: đã xây được cầu Hang Tôm thì không ngại bất cứ cây cầu nào trên đất nước Việt Nam
Cây cầu mới được xây dựng cách vị trí cầu cũ chừng 600m về phía thượng lưu - Ảnh: Sưu tầm
Cây cầu Hang Tôm mới đã đi vài hoạt động - Ảnh: Sưu tầm
Giờ đây, con đường quốc lộ 12 xưa chạy về cầu Hang Tôm cũ cũng chìm dưới 20m nước. Cứ mỗi lần đứng trên cây cầu mới, phóng tầm mắt về phía cây cầu cũ, chúng tôi lại nhớ vẻ đẹp như một khuông nhạc vắt qua đôi bờ sông Đà của cầu Hang Tôm xưa. Bỗng ước giá mà ngay bên cây cầu Hang Tôm mới có thêm một trạm dừng chân nho nhỏ cạnh quốc lộ 12. Du khách sẽ được phóng tầm mắt nhìn ra thị xã Mường Lay mới được "tái định cư chiều thẳng đứng", đẹp như một bán đảo giữa mênh mông sông nước. Và ở đấy sẽ có một căn phòng bày biện những mẫu thép, khúc dây văng của cầu Hang Tôm cũ, những poster về cây cầu xưa từng được mệnh danh là cây cầu đẹp nhất Đông Dương, phía bên vách núi nhìn về hạ lưu kia sẽ có thêm một tấm phông in hình cây cầu thuở nào trong mùa hoa gạo nở, để hồi tưởng "kỳ quan" của miền Tây Bắc xưa, cây cầu chứng nhân của những năm gian nan và khó nhọc, chứng nhân của hôm qua cho ta hiểu hơn về hôm nay
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.