Phố Hàng Bè chỉ dài 172 mét, nói cách khác chỉ ba quãng cột đèn. Những tên thôn, tên làng tên huyện xa xưa, ít ai còn nhớ, đã có các nhà nghiên cứu ghi nó vào văn bản tàng lưu. Còn với người Hà Nội hôm nay, Hàng Bè là một phố mang dáng dấp chút xưa cũ êm đềm, chút gần gũi cận đại đan xen...
Vẫn còn gặp ít ỏi dăm ba cái cột trụ trên nóc đầu hồi, cùng khuôn cửa sổ tí tẹo của căn gác chồng diêm kiểu chuồng chim từ thế kỷ trước còn lại như hồi âm của thời gian qua lớp ngói ta đã mốc thếch những thử thách của thăng trầm. Hàng Bè phố cổ, Hàng Bè phố ngắn, Hàng Bè lao động, mà một trong những ngôi nhà kia còn dòng chữ trên "mi" nhà đắp con số 196, chữ số 1 đầu tiên đã long mất nửa (nhà 61), nó nằm cạnh ngôi nhà kiểu cũ của ông Giảng, người có hàng phở và cà phê nổi tiếng bên phố Cầu Gỗ (số 88) đem tiền lãi phở về mua nhà bên phố này.
Không hiểu sao mỗi lần qua Hàng Bè, tôi lại nhớ đến câu chuyện kể có cô gái nào đó đanh đá chua ngoa, tự đánh mất chất thanh lịch đôn hậu của mình bằng thái độ cong cớn với mấy anh học trò kinh thành, mà một đêm ba mươi Tết, khi cô nghe tiếng gõ, ra mở cửa thì có mấy người khênh cỗ quan tài sơn đỏ vào nhà, nói là ở đây vừa có người mới chết, phải chôn chạy Tết, và người mua đã trả tiền rồi… cô ngất xỉu. Riêng ông thân sinh cô hiểu ra ngay. Đích thị là Ba Giai, Tú Xuất đây, trả thù trận cãi nhau ban sáng, mà lỗi do con gái ông, thái độ quá hỗn hào, và cũng là để nhắc ông cách dạy con cái trong nhà, cần noi gương hiền thục của cô gái bên Hàng Bạc, Hàng Bông... Chứ quan tài thì thiếu gì, Hàng Sũ (hay Lò Sũ) gần kia. Tiếng để đời chứ đâu phải trò chơi, dù Ba Giai, Tú Xuất có quá tay chút ít nhưng cũng lưu lại trong bia miệng về đường ăn nết ở của người Hà Nội một thời chưa xa lắm.
Cũng hình như tiếng trống múa lân đêm trung thu, tiếng xúc xắc xúc xẻ đêm giao thừa vẫn còn vang đâu đây trên một đoạn phố ngắn này khi hai bên hàng phố, nhà thấp, thò ra thụt và nhấp nhô, còn mái thì cao thấp như hình lưỡi cưa cưa vào nền trời những đêm trăng sáng. Hàng Bè là phố làm ăn, phố của người buôn bán nhỏ, người lao động khi nền văn minh phương Tây chưa có chỗ đứng vững vàng trong lòng người vừa bị mất kinh thành.
Nhà báo lão thành Trịnh My, một phóng viên thể thao có cỡ còn đang ở phố này, hẳn thấm sâu hồn phố quê hương vào mình chăng? Nếu một thời, phố Cầu Gỗ có bà Lang Huế nổi tiếng với các môn thuốc đông y thì gần nhà bác Trịnh My, chỗ cũng gần ngôi đình cổ, căn nhà nhô hẳn ra đường, giầm chân lấn mất vỉa hè và cống thoát nước, là nhà bốn mươi, năm mươi. Tên thực bà là gì ít ai biết, còn ít người biết hơn cái biệt danh Mụ Béo bán giải khát, nhưng thực là bà Tộ, Tộ Béo. Chỉ nhớ, trên nhãn thuốc, có dòng chữ in hẳn hoi "Bà Lang Trọc", và từ đó đã phát sinh ra một thành ngữ, một tiếng lóng tồn tại mấy chục năm của cả một vùng rộng lớn ngoài Hà Nội, khi muốn nói thứ gì đó là thứ tốt, thứ thật: "Đích thị bà Lang Trọc".
Số nhà 29 là đình Ngũ Hầu, thờ một vị tướng đời Thục Phán. Ngũ Hầu nguyên là tên một vạn chài ngoài sông Hồng, khi sông đổi dòng, lùi xa, con đê trên lòng phố Nguyễn Hữu Huân nay cũng lùi xa như bây giờ, đình của vạn chài ấy được chuyển về đây, mà trong kháng chiến chống pháp đình đã bị hủy diệt.
Cũng như tưởng thấy có một phố Hàng Bè tấp nập bến sông, bè mảng dập dềnh, đổ lên bến những tre nứa để làm lều lán, những bó lá gồi mới hơi tai tái, những sọt củ nâu trên rừng xuôi về, những ống giang để chẻ lạt bánh chưng, những bó lá dong xanh óng từ Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên… cho người Hà Nội có tấm bánh chưng xanh óng ả, thơm đến kỳ diệu... Hàng Bè hết bến, lại buôn cau. Những sọt cau khổng lồ từ khắp các địa phương chuyển về đây, cùng vỏ chay, vỏ quạch, trầu không… cho môi Hà Nội thắm hồng cắn chỉ. Hàng Bè vì thế mà có tên Hàng Cau. Số nhà 15 từng là của gia đình nhà văn Nhất Linh, một nhà buôn cau khá phát đạt một thời .
Có lẽ trong thế kỷ trước, trong cơn giận dữ của thần hỏa, thiêu trụi một lúc hàng trăm nóc nhà tre lá, Hàng Bè được xây dựng lại, dựa và con đường đất hẹp, nên nhà thò ra thụt vào khấp khểnh như thế, và tuổi các ngôi nhà cũng chỉ trên dưới trăm năm, mà nay ta đi qua, còn thấy ngói cổ, đầu trụ, mái thấp lè tè, tường long vữa lở, trơ ra màu gạch Bát Tràng chịu đựng nắng mưa.
Không hiểu những người thợ mộc chuyên ghép gỗ, trám sơn làm thứ thùng gỗ trụ tròn để đựng nước mắm, gánh nước, chậu giặt, trú ngụ bên phố Hàng Thùng... những người ủ tương cho nhà Cự Đà bên phố Nguyễn Hữu Huân… những người thợ đục cối đá xay đỗ, xay bột, chạm bia đá bên Hàng Mắm... những người thợ trong ngõ Phất Lộc... có sang phố Hàng Bè này ăn bát tiết canh giải nhiệt có ngọn húng quế hình con mắt, ăn bát cháo lòng nóng rẫy, vào chợ Hàng Bè (chỗ ngã ba) mua chiếc bấc đèn, vuông vải mộc, bưng lên bát bún bung dọc mùng vàng ươm... không nhỉ ?
Cho đến năm 1939 còn có mấy nhà văn nghèo (đương nhiên là nghèo nhưng vẫn sang) sau một đêm chôn cất cái sầu mất bạn bên Gia Quất trong xóm cô đầu, dắt nhau đi bộ qua cầu Sông Cái trở về, tinh mơ đến Hàng Bè, ăn vội bát cháo chay, vì không đủ tiền ăn thêm món lòng dồi hay tràng, rồi kéo nhau xuống Ngã Tư Sở để kịp đưa ma Vũ Trọng Phụng, cả những con ma sống và ma chết ấy đã làm rạng danh Hà Nội .
Cho đến những năm năm mươi, Hàng Bè vẫn khấp khểnh nhấp nhô, và mươi năm gần đây mới có thêm chút màu xanh cây lá, loài dâu da xoan thứ cây dễ trồ ng, dễ mọc, cắm cành cũng sống, thoang thoảng hương hoa dân dã, quả cho trẻ nhỏ ăn vui, làm phố thêm phần dịu bớt trưa hè, che mát cho cô gái nào ngồi xuống ăn quà bún chả chỗ đình xưa, hoặc ghé xe chọn mua cái xúc bánh phở bằng tre, cái rổ, bó đũa tre, đôi đũa cả gần đấy... Dăm năm lại đây, Hàng Bè đã rùng mình, không hiểu vui hay buồn, khi đã có nhà năm, bảy tầng, thành khách sạn, nhà hàng, quán ăn, phòng trọ có chữ Tây chữ Mỹ...
Ngồi trong quán cà phê đầu Hàng Mắm giáp Hàng Bạc, có thể nhìn xuyên suốt Hàng Bè đến chỗ bán giày dép hàng triệu đôi nơi phố Hàng Dầu ở đầu phố bên kia.
Hàng Bè còn giữ được ngôi nhà to (số 42) là nhà thầu khoán Trương Văn Vọng, xây khoảng năm 1930, nay đã biến dạng nhiều, thành một trường tiểu học Bắc Sơn. Khoảng 1940 có nhà làm món bánh gai ngon nổi tiếng (Đan Quế, số 24) cũng xây được nhà khang trang. Năm 1950, số 16 là trường tư thục Nguyễn Huệ (trước khi trường dọn ra Bờ Sông) của anh em nhà giáo Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột, những thầy giáo giỏi thời ấy. Ngôi nhà này sau thành đại lý bán nước đá cây thời cả Hà Nội thiếu nước đá trầm trọng, ít nhà có tủ lạnh, tư nhân thì không ai có quyền sản xuất nước đá vì sợ "tốn điện" và lãng phí.
Hàng Bè có một nhân vật, có lẽ đáng nói kỹ hơn chút ít: Bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết, lớp bác sĩ đầu tiên của trường thuốc Đông Dương, người thầy thuốc có mặt trong những đêm đầu kháng chiến, trong Liên khu Một. Ông Thuyết sinh năm 1912 và mất (12-12-1995). Là một người yêu nước, có tấm lòng nhân hậu, thương yêu những ai nghèo khó. Một lần ở Quảng Ninh, có thợ lò bị tai nạn vỡ lá lách, chủ Tây yêu cầu ông Thuyết ghi vào bệnh án là "chết tự nhiên". Ông đã ghi: "Chết vì tai nạn lao động". Ông bị đổi đi luôn. Khi ở Vinh, ông phát thuốc cho người bị tình nghi theo dõi là Cách mạng, ông bị đuổi hẳn. Về Hà Nội, ông mở phòng khám bệnh tư phố Hàng Bè (số 48) và chính ông là người xây ngôi nhà to rộng số l0 phố này, còn đến ngày nay. Ông từng là thầy giáo trường Thăng Long trải qua nhiều chức vụ, nhưng đáng nói hơn hết là ông từng có mặt trong Liên khu Một, trong đội Quyết tử, từng chữa chạy cho thương binh, vệ quốc đoàn sao tròn, tự vệ sao vuông, từ Hàng Buồm đến ngõ Phất Lộc, luồn từ nhà nọ sang nhà kia qua những ô cửa đục thông tường. Ông cụ là một trong những chiến sĩ sau 60 ngày chiến đấu đã rút ra qua gầm cầu Long Biên, theo kháng chiến suốt 9 năm, làm nhiều việc hữu ích giữ nhiều chức vụ, và như nhà thơ Hoài Anh viết "Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô...”. Sau hòa bình, ông trở về Hà Nội, vẫn theo nghề thầy thuốc, kết hợp đông tây y, đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu khoa học, và tận tụy cứu nhân độ thế đến cuối đời mình không mệt mỏi. Bà Thuyết hiện vẫn còn, không ở Hàng Bè nữa mà ở với người con trai thứ ba của ông bà ở số 24 Bà Triệu. Nhưng cuộc đời bác sĩ Thuyết, từ nhỏ đến lớn, sự nghiệp và công sức của ông, phần lớn đều gắn với phố Hàng Bè nhỏ hẹp ấy, những kỷ niệm đẹp đẽ một thời, đúng như một nhà văn nói: "Chỉ những ai sống cao thượng, có ích cho nhân dân mới sống mãi trong lòng người”.
Phố Hàng Bè chỉ dài l72 mét, nói cách khác chỉ ba quãng cột đèn. Những tên thôn, tên làng tên huyện xa xưa, ít ai còn nhớ, đã có các nhà nghiên cứu ghi nó vào văn bản tàng lưu. Còn với người Hà Nội hôm nay, Hàng Bè là một phố mang dáng dấp chút xưa cũ êm đềm, chút gần gũi cận đại đan xen, cùng với cái quá mới, vừa nhảy vào những nhôm kính cao tầng... Phải chấp nhận thôi, như cả Hà Nội đang trong đà đổi mới, có cái hay mà cũng có cái chưa hay, giống như ngay sát Hồ Gươm linh thiêng mà người ta còn bán đất cho người ngoại quốc xây nhà cao tầng thì trách gì một Hàng Bè nhỏ bé, lọt thỏm vào ngoài vòng khuất nẻo.
Hàng Bè vẫn còn cái tên, nhắc lại một thuở nào. Còn người dân, những ai gốc gác Hàng Bè sinh ra, lớn lên, gây dựng cơ nghiệp, sự nghiệp tạo ra bộ mặt phố mình... hẳn còn ít lắm, có thể đã lang bạt đến những nơi nào, khó mà xác định.
Sinh hoạt của Hàng Bè cũng đã khác xưa nhiều lắm. Không còn ai buôn bán cau tươi, cau khô trầu vỏ. Không còn thấy tre nứa hay lá gồi kể cả tầu lá gồi còn cọng có thể làm quạt hay làm chổi đều được. Hàng Bè là một phố buôn bán nhỏ. Thợ may, quần áo mốt mới mốt cũ hàng may sẵn, hàng bún chả, người bán vé xổ số, hàng nan mây tre đan, hiệu cắt tóc, có nhà buôn đồ gốm sứ cả chậu hoa, bình hương. Thêm mấy hàng buôn chỉ có chiếc mẹt, chiếc khay, buôn mấy bánh xà phòng, dăm chiếc khăn bông, hộp kem răng, ít chun, cùng những thứ linh tinh khác, ngồi cạnh đấy là bà bán vàng hương, những hương trầm, hương vòng, hương muỗi, cả tiền đô la âm phủ do ngân hàng địa phủ phát hành năm 96 ...
Hàng ngày, Hàng Bè đang tấp nập, vì giữa phố, chỗ ngã ba với phố Gia Ngư có một cái chợ, Chợ Hàng Bè. Gọi thế do thói quen, thực ra nó nằm gọn trong lòng phố Gia Ngư suốt từ đầu này giáp với Hàng Bè sang đầu kia, gặp ngõ Hàng Đào. Đầu tiên, mấy chục năm trước, nó chỉ là cái chợ xanh, chợ cóc, lâu dần hóa ra cái chợ thực thụ, có cầu có quán mà dây dợ, bao tải, vải mưa, vải nhựa che chắn bịt bùng, cùng rác thải, lầy lội cứ mỗi ngày thêm nhiều lên mãi, tất cả những điều đó đang tái diễn ở nhiều chợ xanh khác, có nguy cơ biến thành chợ chính thống, một đặc điểm của Hà Nội còn nhiều chất tùy tiện nông dân, cốt tiện cho mình, không cần bất tiện cho ai.
Chị hàng rong gánh một bên ít rau, một bên là chiếc bu gà, những con gà được nhồi bánh đúc đến nứt cả diều... Chị hàng hoa cứ đứng giữa đường mà mời khách... cô hàng hồng xiêm, bà bán rau bí đã tước sẵn để trong túi ni lông... hầu như lòng đường không còn chỗ cho xe cộ. Hàng Bè mang vẻ hệt như một đường phố của thị trấn. Đáng buồn hơn là niềm vui.
Phố cổ đang tự lột xác hay người ta lột xác nó? Không dám kết luận, bởi vì qui chế đề ra không thành luật pháp. Người dân thì coi nhà là sở hữu, muốn làm gì thì làm, quyền tối thượng ở mình, gia đình mình, chứ không thể là ai khác... Vì thế, mà Hàng Bè cũng như bao phố cổ khác đang đứng trước một nguy cơ bị đổi thay diện mạo hoàn toàn, chưa có cách cứu chữa .
Có lẽ chỉ riêng những cây dâu da xoan đang độ lớn là vô tư, cứ thả thứ hương thanh thanh thoang thoảng vào đường phố, ru thời gian và êm đềm, xòe tán lá xanh non cho đường xưa mát mẻ ..
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.