Điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình chinh phục mùa vàng phía Bắc - Ảnh: Nguyen Son
Chẳng nổi danh như những người anh em khác trên mảnh đất cao nguyên trập trùng xứ Tây Bắc, những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì lại mang một vẻ đẹp rất riêng đưa đến cho người lữ khách những góc nhìn đầy mới lại, kỳ vĩ, bao la những cũng đong đầy vẻ thơ mộng, trữ tình. Vậy nên mỗi lúc tháng 10 về, người ta lại dập dìu kéo nhau tìm về nơi ấy, để thỏa nỗi niềm mong ước bấy lâu, được ngắm nhìn trọn vẹn những mùa vàng trên dải đất Bắc mộng mơ.
Nơi để cảm nhận vẻ đẹp kỳ vĩ những cũng đong đầy chất thơ tình - Ảnh: Nguyen Son
Hoàng Su Phì, một huyện miền núi của tỉnh Hà Giang nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, nơi mà người ta vẫn thường rỉ tai nhau nhớ tìm về để chiêm ngưỡng những cánh đồng vàng bát ngát trải dọc dài theo thung lũng khi tháng 10 về.
Tháng 10 về, mang sắc vàng bạt ngàn thung lũng - Ảnh: Hoanglongphoto
Để lên Hoàng Su Phì, bạn có thể đi xe khách từ Hà Nội, có rất nhiều chuyến xe chạy cung đường này, với giá vé khoảng chừng 260.000 đ – 300.000 đ/người. Đặt chân lên Hà Giang, rồi từ đó đi thêm một tuyến nữa để lên thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì. Tại đây, du khách có thể thuê một chiếc xe máy để tự do di chuyển, thuận tiện cho việc du ngoạn cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
Đường lên Hoàng Su Phì cũng đẹp vô ngần - Ảnh: Sưu tầm
Còn nếu bạn là kẻ ưa mạo hiểm và muốn trải nghiệm với những cung đường, thì việc vi vu trên những chiếc xe máy dường như thú vị hơn cả. Bạn có thể di chuyển theo cung đường: Hà Nội – TP Hà Giang – Bắc Quang – Tân Quang – Hoàng Su Phì – Lào Cai – Hà Nội. Nhưng đường đi gian nan lắm nhé, đó là những tuyến đường quanh co với bán kính cong nhỏ, độ dốc lớn, khiến những tay lái lụa nhiều khi cũng nao lòng.
Nhưng cũng có những đoạn đường hiểm trở vô cùng - Ảnh: Sưu tầm
Nhưng trên những đoạn đường đầy gian nan ấy, có bao cảnh sắc khiến người ta phải đắm say. Nhìn từ trên cao ôm trọn cả đất và trời, những thửa ruộng bậc thang trải dài ngút ngàn, những bản làng chìm trong khói sương bảng lãng, mông lung, những đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ và còn có những đồi hoa dại hoang sơ nhưng lại mang đầy âm hưởng của cuộc sống nơi xứ thượng xa xôi. Tất cả như một bức họa thiên nhiên tuyệt mĩ mà có lẽ ai cũng muốn một lần được tận mắt chiêm ngưỡng, được tự hồn cảm nhận.
Du ngoạn trên những cung đường, thưởng ngoạn cho bằng hết vẻ tuyệt mỹ của thiên nhiên - Ảnh: Đỗ Quyên
Nếu tháng 5 là mùa nước đổ, thì khi tháng 10 về, người ta lại rủ nhau lên Hoàng Su Phì để ngắm mùa vàng. Đó là lúc những cánh đồng lúa đang vào vụ, khoác lên mình một tấm áo choàng lộng lẫy, kiêu sa, một tấm áo choàng như được dát vàng.
Tháng 10 Hoàng Su Phì như được khoác lên mình tấm áo choãng kiêu sa, lộng lẫy - Ảnh: Hai Thinh
Tùy từng bản làng mà lúa chín vàng ở những thời điểm khác nhau nhưng để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của vùng đất nên thơ này, ai cũng nói rằng phải ghé vào tuần thứ hai của tháng 10. Nhưng có có một số bản làng xa xôi hơn, mùa gặt lại về vào cuối tháng. Những lúc ấy, Hoàng Su Phì thật đẹp, vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp của những con người đang hân hoan chào đón một mùa mới bội thu.
Nổi bật trên cái sắc vàng mông lung ấy là những gương mặt hân hoan của người lao động đang chờ đón vụ mùa - Ảnh: Sylvain Marcelle
Trong những năm gần đây, du lịch Hà Giang ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng dịch vụ cũng được nâng cao. Bạn sẽ chẳng phải quá khó khăn để kiếm một nơi lưu trú trên cung đường khám phá. Có một số khách sạn phổ biến như:
- Khách sạn Huy Hoàn.
- Khách sạn Công đoàn.
- Khách sạn Khánh Linh.
- Khách sạn Cao Nguyên Đá nằm ở thị trấn Đồng Văn.
- Khách sạn Hồng Ngọc.
Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ ở đây đều có mức giá rất hợp lý, nằm trong khoảng 180.000 đ- 300.000đ/ đêm.
Chẳng thiếu nơi ăn chốn ở trong hành trình du ngoạn Hoàng Su Phì - Ảnh: Sưu tầm
Với những căn phòng tiện nghi, hiện đại - Ảnh: Sưu tầm
Ngoài ra, nếu bạn muốn hòa mình trọn vẹn với cuộc sống của đồng bào vùng cao thì loại hình du lịch homestay là lựa chọn vô cùng thú vị. Hình thức Homestay ở Hoàng Su Phì phát triển khá mạnh, bạn có thể tham khảo một số đia chỉ sau đây:
- Homestay Mr. Chiêu: nằm ở Bản Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, một ngôi nhà truyền thống của người Dao đỏ.
- Homestay Mr. Kinh: nằm ở Bản Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, cũng là nhà truyền thống của người Dao đỏ.
- Homestay Mr. Chung: Địa chỉ thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì. Đây là ngôi nhà truyền thống của người Tày.
- Homestay Mr. Kim: Địa chỉ ở thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, Hoàng Su Phì, ngôi nhà của người Tày.
- Homestay Mr. Cánh: nằm ở Thôn Suối Thầu, xã Bản Luốc, huyện Hoàng Su Phì.
Nếu muốn trải nghiệm nhiều hơn, lại hình homestay cũng khá thú vị - Ảnh: Sưu tầm
Để cảm nhận rõ nét hơn cuộc sống của người dân bản địa - Ảnh: Sưu tàm
Những địa điểm Homestay có lợi thế hơn vì nằm ngay trong địa bàn Hoàng Su Phì do đó thuận lợi cho hành trình chu du chiêm ngưỡng mùa lúa chín vàng và cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở mảnh đất này.
Hoàng Su Phì những ngày tháng 10 đẹp lắm. Đó là những cánh đồng lúa chín trải dài bạt ngàn nơi thung lũng, để rồi từ trên một ngọn đồi nào đó nhìn xuống người ta như ngỡ mình đang lạc vào một không gian ngập tràn sắc vàng óng ả. Những cây lúa ở đây có thân dài hơn những vùng khác và những thửa ruộng bậc thang dường như cũng ở cao hơn. Từng thửa, từng thửa ruộng nối tiếp nhau tạo một xoáy hình trôn ốc lạ lẫm khiến bất kỳ kẻ nào cũng phải tròn mắt ngạc nhiên.
Từng thửa ruộng nối tiếp nhau tạo thành những vòng xoáy trôn ốc vô cùng lạ lẫm - Ảnh: Hoanglongphoto
Cái vẻ trữ tình thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang lại được bao bọc bởi những dãy núi đá hùng vỹ và những rừng cây xanh thẳm thẳm. Màu của lúa hòa cùng màu của cỏ cây, của đá cao nguyên khiến cái bức tranh thiên nhiên ấy lại càng độc đáo và khác biệt mà có lẽ người ta sẽ chẳng thể gặp ở nơi nào khác.
Màu của lúa hòa với màu của cỏ cây và còn có màu của đá - Ảnh: Chet Baker
Và rồi trên mênh mông bạt ngàn màu vàng của lúa là những ngôi nhà rạ nhỏ, nơi mà những người bản địa dựng lên để nghỉ ngơi hoặc trông nom lúa. Nhìn kỹ thêm chút nữa, thấp thoáng giữa những thân lúa vàng ươm là hình ảnh những người nông dân đang thoăn thoắt gặt cho xong thửa ruộng, những khuôn mặt lấm mồ hôi nhưng lại sáng bừng một niềm hân hoan khó tả.
Nụ cười hân hoan vì mùa vụ mới- Ảnh: Đình Lâm Nguyên
Mỗi cảnh, mỗi cảnh chầm chậm lướt qua là một nét chấm phá đặc biệt trên cái nền bức tranh thiên nhiên Hoàng Su Phì mỗi dịp tháng 10 về. Theo kinh nghiệm của nhiều người, nơi ngắm mùa vàng đẹp nhất ở Hoàng Su Phì là ở Pố Lồ, Thèn Chu Phìn, bản Luốc, bản Phùng và Sán Sả Hồ. Đó là những địa danh có những cánh đồng lúa bạt ngàn nhất với những tầm nhìn đẹp nhất, khiến người ta có cảm tưởng như mình đang được thả hồn giữa mênh mang thiên đường.
Bạt ngàn đồng lúa ở Sán Sả Hồ - Ảnh: Hoanglongphoto
Khung cảnh nên thơ ở Bản Phùng - Ảnh: Hoanglongphoto
Đến Hoàng Su Phì, du khách cũng không thể bỏ qua đèo Cổng Trời và di tích quốc gia Thông Nguyên, Nậm Ty, một khu danh thắng quốc gia với những cung đường đèo hiểm trở và những thửa ruộng bậc thang đang lơ lửng ở lưng chừng trời. Lại thêm một góc nhìn khác đầy mê hoặc.
Những thửa ruộng ở lưng chừng trời - Ảnh: Quoc Tran Le Bao
Trên hành trình khám phá mùa vàng Đông Bắc, những kẻ lữ khách đường xa còn được dịp ghé thăm các làng văn hóa du lịch ở Hoàng Su Phì như Nậm Hồng, Giàng Thượng, Phìn Hồ và Làng Giang. Ở nơi đó, người ta như được chìm vào một khung cảnh yên bình, tĩnh lặng, và biết đâu được trên một con đường nối bản nối làng nào đó, ta lại lỡ say khi gặp ánh mắt của một cô gái người Dao.
Có một cuộc sống cứ trôi qua bình yên như vậy đó - Ảnh: Duc Hoang
Và rồi khi đặt chân tới khu du lịch sinh thái Pan Hour mới được xây dựng bên dòng suối Thông Nguyên, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp , được hòa mình vào cỏ cây, hoa lá, vào khúc nhạc du dương phát ra từ dòng suối bên nhà hay lạc mình trong vẻ đẹp chân chất, hồn nhiên của những thiếu nữ Mông, Dao, Tày đầy quyến rũ trong bộ trang phục truyền thống. Đến với Pan Hour, du khách còn có cơ hội khám phá những nét độc đáo trong phong tục tập quán của người Dao, hiểu được phần cuộc sống hằng ngày của những người dân bản địa đầy chân tình ở xứ này.
Ngẩn ngơ theo bước chân của những thiếu nữ vùng sơn cước - Ảnh: Ngọc Trung Nguyễn
Ẩm thực ở Hoàng Su Phì cũng giống như bất kỳ địa danh nào ở vùng đất Hà Giang, có thắng dền, có rêu nướng, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu, lợn cắp nách, phở chua, cơm lam, rượu ngô, trà xanh, những món mang đặc trưng của văn hóa của người bản địa và gói trọn cái hồn của cao nguyên đá.
Ẩm thực ở Hoàng Su Phì khá giống nền ẩm thực chung của Hà Giang - Ảnh: Sưu tầm
Nhưng ẩm thực Hoàng Su Phì lại càng nổi tiếng hơn với một món ăn mà mới nghe tên thôi nhiều người đã cảm thấy sởn gai ốc, đó là món thịt chuột của người dân tộc La Chí. Một món ăn không thể thiếu trong cuộc sống của người La Chí ở Hà Giang và với những bí quyết chế biến truyền đời, họ đã biến thịt chuột thành nhiều món thơm ngon như nướng, xào, treo gác bếp…
Nhưng độc đáo nhất phải nói tới thịt chuột nướng của người La Chí - Ảnh: Sưu tầm
Chắc chắn sẽ rất ít người có đủ can đảm để thử món ăn độc đáo này nhưng những ai đã một lần nếm qua thì cũng đều nhận xét “chưa thử thịt chuột là một thiếu sót lớn khi du lịch Hoàng Su Phì”.
Hoàng Su Phì cũng không có đặc sản gì lạ nhưng nếu đã tới nơi đây sao bạn không mang về vài bình rượu ngô, loại rượu được nấu từ thứ ngô bản địa, mang ẩm hưởng rõ rệt của vùng cao nguyên đá, chỉ một chút thôi bỗng thấy ấm lòng giữa tiết trời se lạnh tháng 10.
Thử một chén rượu ngô thấy ấm lòng giữa tiết trời se lạnh - Ảnh: Sưu tầm
Rồi còn thịt trâu gác bếp nữa, cũng có thể mua làm quà đấy chứ, nó như linh hồn ẩm thực của người Thái đen, khiến người ta chỉ thử một chút thôi cũng nao núng bước chân, muốn ghé thăm mảnh đất có thể tạo nên món ăn độc đáo này.
Thịt trâu gác bếp - linh hồn ẩm thực của người Thái đen - Ảnh: Sưu tầm
Đến Hoàng Su Phì là không thể không mang một ít trà xanh về, đó là loại trà được hái từ những triền núi có độ cao trên 1.000 mét so với mặt nước biển, một món quà của tạo hóa danh tặng cho người dân nơi đây, khiến họ luôn trân trọng, giữ gìn và cố gắng chăm bẵm để tạo nên một sản phẩm thơm ngon và mang đậm cái không khí của núi rừng.
Những đồi chè cổ thụ ở Hoàng Su Phì - Ảnh: Sưu tầm
Và nếu bạn đi vào sâu trong các bản làng, sao không hỏi mua một ít hàng thổ cẩm do những cô gái dịu dàng vùng sơn cước dệt nên. Đó có thể là một món quà lưu niệm vô cùng quý giá, mon quà nhỏ mà ai cũng cảm nhận được cái tình của người đồng bào dân tộc.
Một tỉnh miền núi phía Tây của Hà Giang, Hoàng Su Phì là nơi tập trung các dân tộc Dao, Mông, La Chí, Tày, Nùng... tạo nên những bản sắc văn hóa đa dạng cho vùng đất này. Mỗi dân tộc một nét đẹp rất riêng từ trang phục, cách sinh sống, ăn uống đến những lễ hội được tổ chức hằng năm, đó là nét đẹp từ thời tổ tiên truyền lại và được bảo tồn, gìn giữ qua bao đời mặc cho dòng chảy vô tình của thời gian.
Hoàng Su Phì - nơi sinh sống của một cộng đồng đa dân tộc với những bản sắc văn hóa đặc trưng - Ảnh: Sưu tầm
Đến Hoàng Su Phì, du khách sẽ có cơ hội hoa mình vào bầu không khí của các lễ hội đặc trưng như: Lễ cúng thần rừng của người Nùng, Lễ cúng Hoàng Vần Thùng của cộng đồng dân tộc Cờ Lao ở thôn Tà Chải xã Túng Sán, Tết Khu cù tê của dân tộc La Chí Bản Phùng, Lễ cúng ma khô của người Nùng U và Lễ hội Quýas Hiéng hay còn gọi là lễ hội qua năm của người Dao đỏ xã Hồ Thầu.
Người La Chí chuẩn bị cho Tết Khu cù tê - Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt vào mỗi dịp tháng 10, khi mùa thu hoạch lại về, những người dân bản địa lại cùng nhau tổ chức Lễ cúng cơm mới nhằm gửi lời cảm ơn tới tổ tiên và thần thánh đã mang lại một mùa màng bội thu và gửi gắm niềm hy vọng vào vụ tươi tốt những năm sau.
Lễ cúng cơm mới mừng một mùa gặt lại về - Ảnh: Sưu tầm
- Nếu bạn chọn những chiếc xe máy làm người bạn đồng hành trên cung đường chinh phục Hoàng Su Phì thì hãy nhớ kiểm tra xe thật kỹ trước khi xuất hành đồng thời nhớ mang theo bộ dụng cụ sửa chữa để đề phòng những sự cố có thể xảy ra. Đường lên Hoàng Su Phì lắm đèo nhiều dốc nên nhớ đảm bảo đèn pha, phản quang, phanh thật tốt nhé.
Chuẩn bị thật kỹ cho hành trình phải băng ngàn vượt núi - Ảnh: Sưu tầm
- Tháng 10 về, khí hậu Hoàng Su Phì đã chuyển mùa, se sắt lạnh, do đó hãy chuẩn bị cho mình những chiếc áo ấm và cả những bộ trang phục thoải mái, gọn gàng phù hợp với việc phải di chuyển thật nhiều để chiêm ngưỡng trọn vẻ đẹp của mùa vàng nơi đây nhé.
- Nên mang theo một túi thuốc dự phòng bao gồm thuốc dị ứng, thuốc đau bụng, thuốc bôi các vết côn trùng cắn nữa nhé để chuyến hành trình thêm phần thuận lợi.
- Nếu tới vùng biên giới, hãy nhớ làm việc với các cán bộ biên phòng nơi đây để có được sự chỉ dẫn và giúp đỡ khi cần thiết.
- Nhớ hỏi trưởng bản trước khi tham quan bản làng hay hỏi ý chủ nhà nếu muốn dừng chân khám phá đời sống của người đồng bào dân tộc.
Nhớ hỏi ý chủ nhà nếu muốn khám khá cuộc sống của họ - Ảnh: Vivian béo
Nếu ai hỏi rằng “Tháng 10 nơi đâu đẹp nhất ở Hà Giang?” tôi sẽ chẳng ngại ngần mà trả lời rằng “là Hoàng Su Phì đó!”. Những cánh đồng lúa vào vụ trễ hơn so với những nơi khác đã tạo nên một lợi thế đặc biệt cho mảnh đất này. Không bon chen khoe sắc khoe hương mà im lìm tích tụ tinh hoa của đất trời rồi một ngày bừng lên rạo rực. Hoàng Su Phì như chốn thiên đường mà ở nơi đó người ta có thể gửi trọn trái tim trong từng khoảnh khắc chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang vàng ươm đang trải dài nơi thung lũng, đẹp đến ngất ngây lòng.
Nguồn: mytour.vn
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.