Khi đến với Quảng Nam, du khách có dịp thăm quan các điểm du lịch nổi tiếng: Cù lao Chàm, Bãi biển Cửa Đại, khu phố cổ Hội An,…khám phá những di sản của người xưa tại: Di sản văn hóa Mỹ Sơn, kinh đô cổ của vương quốc Chămpa – Trà Kiệu. Thưởng thức các món đặc sản như mì Quảng, cao lầu,… Đặc biệt trải nghiệm và cảm nhận cuộc sống và con người xứ Quảng.
Nên kết hợp chuyến thăm Đà Nẵng với Quảng Nam, vì các phương tiện đến Đà Nẵng (máy bay, tàu hỏa, ôtô) đều rất thuận tiện. Sau khi thăm Đà Nẵng, bạn có thể thuê taxi, mất khoảng 30 km đến Hội An (Quảng Nam). Bạn cũng có thể thuê xe máy để khám phá các danh lam thắng cảnh ở đây. Do Hội An cũng khá nhỏ nên việc di chuyển bằng xe ôm cũng là sự lựa chọn hợp lý và ít tốn kém.
Bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng thời tiết dễ chịu nhất là từ tháng 2 đến tháng 4. Nếu vào mùa hè, bạn có thể thỏa sức khám phá và vùng vẫy ở các bãi biển tuyệt đẹp. Còn nếu muốn tham gia lễ hội Bà Chiêm Sơn, Carnival Hội An, lễ hội Nguyên Tiêu hay lễ hội Đêm rằm phố cổ… bạn cần xem kỹ thời gian để lên kế hoạch cho phù hợp. Nên đi vào ngày rằm để hòa mình vào không khí huyền ảo nơi đây. Khắp các cửa hàng, ngõ phố đều tắt điện và thắp đèn lồng, thả hoa đăng trên dòng sông Hoài thơ mộng.
Khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ... những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Nằm gọn trong một thung lũng kín đáo có đường kính chừng 2km giữa bốn bề đồi núi thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20km và cách thành phố Đà Nẵng gần 70km cùng về phía Tây Nam, Mỹ Sơn là một thánh địa Ấn Độ giáo thuộc vương quốc Chămpa. Theo nội dung được ghi trên tấm bia có niên đại khoảng thế kỷ IV – sớm nhất ở Mỹ Sơn, vua Bhadresvara đã xây dựng một ngôi đền dâng cúng vua Bhadravarman, vị vua sáng lập dòng vua đầu tiên vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV, được đồng hóa với thần Siva, trở thành tín ngưỡng thờ thần - vua cùng tổ tiên hoàng tộc.
Cách Hội An 9 hải lý hướng đông bắc, gồm 8 đảo : hòn Khô Con, hòn Khô Mẹ, hòn Lá, hòn Mồ (Lụi), hòn Dài, hòn Lao (Biền), hòn Tai và hòn Ông (Nồm) Cù lao Chàm có diện tích khoảng 15 km2, được gọi với những tên khác nhau như Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La, gồm nhiều hòn đảo lớn, nhỏ như: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô, Hòn Tai, Hòn Ông... Năm 2006, Cù lao Chàm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia... Giờ đây, Cù lao Chàm đã gần hơn với đất liền, trở thành địa điểm du lịch biển cực kỳ hấp dẫn...
Chiếu Bàn Thạch ngày càng đa dạng hóa mẫu mã, màu sắc sặc sỡ. Bằng đôi tay khéo léo của người thợ đã tạo được hình tượng Mỹ Sơn, chùa cầu Hội An, bắt chữ nỗi Bàn Thạch Duy Vinh cùng các loại chiếu màu như: Sim tím, chiếu cúc, chiếu mặt nệm… nhiều đôi chiếu có giá trị từ 120.000 đến 180.000 đã được khách hang ưa chuộng đặt mua.
Không nơi đâu lôi cuốn như Cù Lao Chàm bởi nét đẹp hòa nguyện giữa cái hùng vĩ của núi rừng và nét dịu dàng mát mẽ của làn sóng biển trong xanh. Một nơi với sự hiện hữu đầy đủ các sinh cảnh đặc trưng của các hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước. Với lợi thế trên, và nhất là khi Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm đã thu được một lượng lớn du khách, cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch chưa thực sự góp phần cải thiện cuộc sống của người dân địa phương và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn tài nguyên của KBTB.
Suối Tiên có một hệ thống suối gồm tất cả khoảng 14 con thác, có độ cao từ thác thứ nhất đến thác thứ 14 khoảng 400m; mỗi thác có một vẻ đẹp riêng. Vào những ngày hè, hay những đêm trăng sáng du khách có dịp đến đây ngắm nhìn những dòng thác chảy in vào những đám cây rừng và trên nền trời xanh, du khách có thể hình dung như chốn bồng lai; đặc biệt trong con thác thứ ba có một cái ao trong mát, mà có tên là ao Tiên, chính là điểm tắm lý tưởng nhất
Tháp Bằng An là một trong những tháp Chăm cổ còn sót lại ở tỉnh Quảng Nam. Về niên đại của tháp Bằng An vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đầu Thế kỷ XX, H. Parmentier cho rằng niên đại của tháp chính là niên đại của tấm bia. Còn P. Stern thì xếp Bằng An vào phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định (niên đại từ đầu thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XII). Nhưng chính P. Stern cũng đã thừa nhận tháp Bằng An rất khó xác định niên đại bằng phong cách học. Gần đây, Trần Kỳ Phương định niên đại thế kỷ XII và xếp Bằng An vào phong cách Bình Định. Còn Ngô Văn Doanh, sau nhiều lần điều tra điền dã và nghiên cứu bia ký, thì cho rằng niên đại của Bằng An là cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X.
Di tích Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần Quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 75km về phía Tây - Nam. Bao gồm 3 tháp liên hoàn nằm kề nhau, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ X. Tại đây đã phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc (hiện được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng) và nhiều chum vại có niên đại khoảng vài trăm năm.
Đèo Hải Vân là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Đây là đèo cao nhất trong các đèo ở Việt Nam (khoảng 500m so với mực nước biển), đầy hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển.
Cửa Đại nằm cách đô thị cổ Hội An 5km về phía Đông theo đường 608 nối dài, đây là bãi biển đẹp nhất ở Quảng Nam với những bãi cát dài xa tít, những ngọn sóng xô nhẹ cuốn mọi thứ ra xa trong nắng chiều óng ả, một vẻ đẹp đến mê hồn. Cửa Đại nổi bật bởi những khu nhà lộng lẫy, những khu resort mới xây tiện nghi và hiện đại, bao quanh là những khóm hoa rực rỡ sắc màu và toả hương thơm ngát.
Chiên Đàn là cụm ba tháp Chàm đứng song song với nhau theo trục Bắc - Nam, hướng mặt về phía Đông, 3 tháp gồm: Tháp Bắc, Tháp Giữa và Tháp Nam được xây vào cuối thế kỷ XI là nơi thờ cúng ba vị thần: SIVA, VISHNU, BRAHMA. Mỗi tháp còn được gọi là một Kalan, Kalan là kiến trúc quan trọng nhất trong quần thể đền - tháp, nó tượng trưng cho một tiểu vũ trụ
Không quá béo như thịt, không quá dai như sò, nghêu, không nhỏ như hàu và có hương vị đậm đà khó quên, ốc vú nàng được xem là loài ốc quý trong danh mục ốc xứ Quảng.
Ốc vú - Cù Lao Chàm
Bánh tổ có thể ăn “sống”, nướng hay chiên giòn. Thông thường, người ta thích nhất là xắt lát chiên giòn. Thật khó tả nổi sự tuyệt vời của bánh tổ chiên giòn: mùi ngọt thanh của đường, mùi thơm đặc biệt của nếp hoà quyện cùng mùi beo béo của dầu, bùi bùi của hạt mè và mùi cay cay thoang thoảng của gừng… Nếu muốn nếm thử bánh tổ nướng, người ta cũng xắt lát đem nướng trên than hồng. Gặp nóng, lát bánh uốn cong, thơm lừng, trông vô cùng hấp dẫn. Còn bánh tổ ăn “sống”, nghĩa là xắt ra ăn ngay, tuy cũng thơm ngon nhưng không thú vị bánh tổ nướng, bánh tổ chiên giòn.
Bánh tổ Quảng Nam
Mì Quảng thường được làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng khoảng 2mm. Sợi mì làm bằng bột mỳ được trộn thêm một số phụ gia cho đạt độ dòn, dai. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... Thông thường nước dùng rất ít.
Mì Quảng
Món mỳ này có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sợi mỳ màu vàng là do được trộn với tro một loại cây ở địa phương. Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.
Cao Lầu
The Nam Hải Resort
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.