Nếu có dịp đi du lịch Huế, tìm về căn nhà của cố nhạc sĩ năm xưa, bạn sẽ thấy căn nhà ở chung cư Nguyễn Trường Tộ gần nhà thờ Phủ Cam nay đã được bài trí thành quán cafe, trưng bày những hiện vật, sáng tác của Trịnh Công Sơn. Cái tên “Gác Trịnh” được đặt dựa theo cảm hứng từ câu hát “Một đêm bước chân về gác nhỏ” trong bài “Chợt thấy ta là thác đổ” của cố nhạc sĩ.
Không gian cà phê.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng sâu lắng giống như chính cá tính của vị cố nhạc sĩ này. Không khí tại ngôi nhà năm xưa của ông cũng yên tĩnh và trầm lắng như thế, nhưng để lại trong lòng người những suy tư, những hoài niệm khôn nguôi về tình yêu, về cuộc sống.
Một góc Gác Trịnh.
Chạy men theo đầm phá, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên với những cánh đồng bát ngát đang vào mùa gặt, những cây cầu nhỏ với hai bên nước sâm sấp hay khung cảnh thơ mộng với một bên là ruộng, một bên là nước sóng sánh trong ánh nắng chiều vàng ruộm. Một vài cánh chim le le và chim ngói chao liệng trên không trung, chốc lại sà xuống những cánh đồng như đang rúc rích tiếng nói cười. Hay được ngửi hương lúa thơm nồng nàn hòa quyện trong không khí mát mẻ, thoáng đãng.
Chiều ngang sông Hương, đường ra phá Tam Giang.
Phá Tam Giang mặt nước hiền hòa, phẳng lặng với sóng gợn lăn tăn. Trên phá, bập bềnh vài chiếc thuyền chạy dọc theo những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng trên toàn phá như những bàn cờ trận vuông vức. Con đầm rộng lớn và trải dài tít tắp sóng sánh trong ánh mặt trời rạng rỡ.
Hoàng hôn nhuộm tím một góc trời ở Phá Tam Giang
Thiền viện nằm trong dãy Bạch Mã hùng vĩ.
Cuối dãy Bạch Hổ là mỏm núi Lưỡi Cái, cuối dãy Thanh Long là đỉnh núi Truồi, lấy ngọn Trì Giang làm Án Sơn, thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã hiện lên giữa lòng hồ Truồi như một đóa hoa, gối đầu vào núi rừng Bạch Mã trải dài hút mắt. Có Long chầu Hổ cứ, có thủy bão sơn bao, hồn thiêng Yên tử hay suối thiền Trúc Lâm như đang hòa quyện, tuôn trào cho linh hồn Bạch Mã càng thêm sống động.
Khung cảnh ở thiền viện ngày ngày mây trắng phủ đầu non, khi thì trầm mặc, lúc lại bồng bềnh, có khi lại thong dong, tự tại. Nếu đứng từ Trì Giang, hay từ cầu Lương Điền (Truồi), hoặc nhìn từ Ngự Bình (Huế), ta trông thấy những áng mây trắng lửng lờ có hình dáng như con ngựa. Vì thế, người ta gọi vùng núi này là Bạch Mã. Đối với người Tây phương, Bạch Mã được xem như là mặt trời. Bởi vậy, với khung cảnh tựa như thiên đường, trụ trì Thích Tâm Hạnh đã quyết tâm xây dựng thiền viện nhằm giúp cho các tăng ni Phật tử có nơi tu tâm dưỡng tánh. Giờ đây, thiền viện cũng là nơi được nhiều du khách đến chiêm bái Phật và thưởng ngoạn cảnh vật hùng vĩ.
Đèo Hải Vân còn có tên là đèo Ải Vân hay đèo Mây, cao 500 m so với mực nước biển, dài 20 km, cắt ngang dãy núi Bạch Mã, là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển. Trên đỉnh đèo Hải Vân có một cửa ải. Cửa ải này gọi là Hải Vân Quan xây từ đời Trần, và được trùng tu vào thời Nguyễn năm 1826. Cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông xuống Quảng Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Đèo Hải Vân được trang The Guardian của Anh xếp vào Top 10 cung đường đẹp nhất thế giới
Mặc dù ngày nay đã có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân, và địa hình của đường đèo vẫn còn một số hiểm trở, song nhiều du khách vẫn thích đi trên con đường này để thưởng ngoạn. Vào những ngày đẹp trời, họ có thể thấy khá rõ một phần thành phố Đà Nẵng, cảng Tiên Sa – bán đảo Sơn Trà, cù lao Chàm,… và những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển.
Đường lên đỉnh dốc và quanh co.
Vịnh Lăng Cô là một danh lam thắng cảnh thiên nhiên của Huế. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam – với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km, làn nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp, bên cạnh đó là những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên những dãy núi nhấp nhô, nằm giữa núi rừng và biển là đầm Lập An rộng lớn đầy huyền bí.
Vịnh Lăng Cô biển xanh cát trắng.
Cách Huế khoảng 70 km về phía Nam, nằm dưới chân đèo Hải Vân, thiên nhiên đã ban tặng cho đầm Lập An một con đường uốn lượn chạy quanh đầm như dải lụa mềm mại. Tại đây, có một loài thủy sản được mệnh danh là “đặc sản”, “ngọc của trời”… đó là hàu. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã biết tận dụng lốp cao su hỏng để bắt hàu. Đầm Lập An đẹp nhất trong những buổi chiều tà, đã khiến bao du khách ngẩn ngơ, và nếu không kịp bấm máy thì bất cứ ai cũng mong muốn nhìn ngắm để ghi lại được thật nhiều khoảnh khắc tuyệt mỹ của tạo hóa.
Đèn trời Lập An ảo diệu.
Quần thể di tích Cố đô Huế là những di tích lịch sử – văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993.
Lầu Ngũ Phụng.
Di sản văn hóa thế giới Cố Đô Huế gồm có Kinh thành Huế, Hoàng thành Huế, Tử cấm thành. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Hoàng Thành nằm bên trong Kinh Thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Tử Cấm Thành nguyên gọi là Cung Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia.
Hoàng Thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội. Ngoài ra còn có các lăng tẩm khác như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Dục Đức, lăng Khải Định…
Lăng Minh Mạng.
Là món ăn nổi tiếng và được nhiều du khách biết đến nhất trong các món ăn đặc sản ở Huế. Bún bò Huế mang một hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được, đó là vị ngọt thanh của gia vị cùng với mùi sả, ruốc, nước dùng, thịt luộc ăn kèm với rau thơm, chanh, tiêu, nước mắm…tạo nên sức hấp dẫn tới lạ lùng.
Bún bò Huế.
Không khó để tìm một quán bún bò Huế, điều đặc biệt là những quán bún ngon tuy rất bình dân nhưng nổi tiếng về chất lượng và giá cả cũng rất phải chăng. Nhắc tới bún Huế phải kể tới những quán ăn ngon nổi tiếng như bún “mụn Rớt” gần chùa Diệu Đế, bún Lệ đường Điện Biên Phủ hay những quán bún trên đường Nguyễn Du là đông khách nhất và thường được khác du lịch ghé thăm.
Cơm hến là món ăn dân dã nhưng lại là một món ăn ngon ở Huế mang đậm hương vị đậm đà của người dân xứ Huế. Nguyên liệu để nấu cơm hến đơn giản chỉ là những món ăn hàng ngày như cơm trắng nấu chín để nguội cùng với thịt hến, gia vị và tóp mỡ chiên giòn nhưng ăn rất ngon. Có thể ăn kèm với rau sống như hoa chuối, giá đỗ, lạc rang và khoai môn trắng thái nhỏ.
Cơm hến trộn.
Giá một suất cơm hến rất rẻ chỉ khoảng 10.000 đồng, để thưởng thức cơm hến ngon các bạn nên tới cồn Hến hoặc quán chị Nhỏ ở đường Phạm Hồng Thái.
Ở Huế khung cảnh thường trầm lặng, vào mùa mưa lại càng buồn bã hơn, nhà cửa rêu phong phủ đầy, sân ngõ lầy lội, đường phố ẩm ướt, bầu trời ảm đạm từ sáng đến tối, xám xịt, giá buốt, thế nên những người ở xa đến Huế trọ học ai cũng ngán mưa Huế.
Mưa trên phố Huế.
Chỉ những người con của Huế mới thân thuộc, thích nghi với thời tiết thất thường nơi đây, như đã thấm vào máu thịt, tâm hồn, làm cho họ trở nên trầm tĩnh hơn. Có ở nơi nào mưa dầm dề suốt ngày này qua tháng khác, mưa đến độ thúi đất thúi cát, vừa mở mắt ra đã thấy mưa trắng xóa bên khung cửa sổ, dùng điểm tâm cùng với bản giao hưởng êm đềm của mưa và giấc ngủ cũng đồng hành trong làn điệu ru miên man của mưa?
Mưa Huế đã là cầu nối cho biết bao kỷ niệm buồn vui, yêu thương, mơ ước… của những người con xa xứ. Có lẽ chính những cơn mưa dầm từ ngày này qua tháng khác, từ mùa đông này sang mùa đông khác đã thử thách và tạo nên lòng kiên nhẫn, bền bỉ; tính cách trầm tĩnh, dịu dàng; dáng điệu khoan thai, thong thả của con người, đặc biệt là phụ nữ nơi đây.
Nghề làm nón lá nổi tiếng ở Huế từ lâu nhưng làm nón bài thơ thì chỉ khoảng từ sau năm 1959. Người dân Tây Hồ luôn tự hào quê mình là nơi xuất xứ của nón bài thơ xứ Huế. Chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959-1960, ông Bùi Quang Bặc – một nghệ nhân chằm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ, bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón.
Hình ảnh bên trong chiếc nón bài thơ.
Nón bài thơ xứ Huế cũng giống như nón ở một số địa phương khác trên cả nước, tuy nhiên nét đặc thù mang đậm dấu ấn phong cách Huế chính là dáng nón thanh tao mềm mại, màu trắng sáng xanh mát dịu của lá và những hình hoa văn được tạo nên khéo léo, bố cục cân đối giữa hai lớp lá, chỉ khi soi ra trước ánh sáng mới có thể nhận thấy được vẻ đẹp đầy thi vị này. Và để làm nên những chiếc nón bài thơ này là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự kì công, khéo léo của những nghệ nhân làm nón.
Cô gái Huế dịu dàng trong tà áo dài thướt tha cùng chiếc nón bài thơ.
Xem thêm: Du lịch Huế
Nguồn: Tổng hợp
Bài viết được thực hiện dựa trên trải nghiệm thực tế của đội ngũ phát triển nội dung của Dulich24.com.vn nếu có sai xót, xin vui lòng thông báo cho chúng tôi.
CÔNG TY TNHH DULICH24 VIỆT NAM
Đ/c: Số 10C/196, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
VPGD Hà Nội: Tầng 6, Số 146, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam
Số ĐKKD: 0108370327
Nơi cấp: Sở KHĐT Hà Nội.
Lĩnh vực: Lữ hành, Đại Lý Du Lịch, TMĐT.
GPLH Số: 01-0501/2024/SDL-GP LHNĐ
Copyright © 2013 Dulich24.com.vn
® Ghi rõ nguồn "Dulich24.com.vn" khi phát hành lại thông tin từ trang này.
Dulich24.com.vn sử dụng cookie để cải thiện trải nghiệm website của bạn.